Quét vôi - sơn nước là công việc hoàn thiện công trình. Công việc cần phải biết tính toán và không dễ dàng chút nào. Bạn phải chà nhám, leo trèo suốt ngày, lúc thì cầm chổi, lúc thì cầm ru-lô lăn… , phải làm việc liên tục trong môi trường bụi bặm. Tuy là cực như thế, nghề quét vôi - sơn nước vẫn được nhiều người lựa chọn. Thu nhập của người thợ lành nghề khá cao. Nếu bạn thích nghề này, nên chú ý các điểm cần thiết sau:

1/ Chọn dụng cụ:

- Công việc trước khi quét vôi tường cũ là cạo và chà nhám tường. Để cạo tường, người thợ cần có một cái sủn (có dạng như cái xẻng bằng nhỏ) để cạo lớp vôi tường cũ. Để chà nhám tường, người thợ dùng bàn chải sắt và giấy nhám.

- Người thợ quét vôi chuyên nghiệp bao giờ cũng có những cái thùng ngâm vôi.

- Muốn có những cái chổi quét vôi vừa ý, người thợ thượng tự bó lấy chổi cho mình. Người thợ mua những bó chổi cỏ, lựa bỏ những cọng xấu, bó lại thành bó, dùng tay chà xát bó chổi xuống đất để loại bỏ bông cỏ. Nếu không loại bỏ bông cỏ, khi quét vôi hạt bông sẽ dính lại trên tường. Dùng dao chặt đầu các cọng chổi cho bằng nhau. Cuối cùng dùng một cọc nhọn đầu để nhét vào giữa đầu bó chổi, thế là xong một cây chổi quét vôi.

- Người thợ có thể dùng ru-lô lăn để lăn vôi hoặc sơn nước lên tường. Việc chọn ru-lô rất cần thiết. Ru-lô phải có mặt bông tốt, không bị đứt những sợi bông khi lăn trên tường.

2/ Cách quét vôi

- Việc cạo và chà nhám tường cũ không phải là một việc đơn giản. Không phải là cạo trắng tất cả bề mặt cần quét vôi. Người thợ chỉ cạo những chỗ vôi quá dày. Khi cạo như vậy, bức tường sẽ bị loang lổ. Tiếp theo dùng bàn chải sắt và giấy nhám để làm liền lại những vết loang lổ trên tường. Khi cạo như vậy rất bụi. Trước khi tiến hành cạo tường, nên dọn dẹp mặt bằng và đeo khẩu trang.

- Vôi được ngâm trong những thùng chuyên dùng. Đầu tiên, người ta đổ nước vào thùng, cho a-dao vào thùng nước, sau đó cho vôi cục vào từ từ. Không nên làm ngược lại. Nếu người thợ cho vôi vào thùng trước, sau đó mới đổ nước thì rất nguy hiểm. Vôi gặp nước sẽ sôi lên, thoát ra những lớp khí dày đặc, khó chịu. Vôi ngâm trong nước qua đêm là có thể dùng tốt.

- Khi quét vôi người ta thường quét ba lớp. Nếu quét vôi màu thì lớp đầu quét trắng, hai lớp sau quét màu. Nếu quét vôi tường trắng thì lớp đầu quét vôi trắng, lớp sau cũng là vôi trắng nhưng pha đặc hơn một chút, như vậy chỉ cần hai lớp là được.

- Quét vôi đều tay từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. Nhúng ngập phần chổi vào thùng vôi, khi nhấc chổi lên, quẹt nhẹ vào miệng thùng vôi để lấy vừa đủ lượng vôi cần thiết.

- Khi quét vôi những nơi cao, cần có thang hoặc giàn giáo chắc chắn. Với những nơi cheo leo thì người thợ phải có thiết bị bảo vệ an toàn. Thùng đựng vôi và cọ phải được gá đặt tốt, tránh làm rớt xuống dưới gây nguy hiểm.

3/ cách sơn nước

- Công việc sơn nước có phức tạp hơn so với việc quét vôi. Sơn nước với tường mới dễ phẳng hơn so với tường cũ. Để có một bức tường sơn nước phẳng, cần phải kỹ lưỡng khâu tô tường. Khi tô tường, phải chọn cát mịn, bề mặt tô phải phẳng. Trước khi sơn nước, người thợ phải trét mát-tít bức tường. Việc trét mát-tít là để che lấp những chỗ lồi lõm trên tường. Dùng giấy nhám chà để mặt tường được láng đều. Công đoạn này rất quan trọng. Nếu làm không kỹ, tường sẽ lồi lõm, khi sơn nước không thể lấp khuyết tật được. Nếu mát-tít có chất lượng kém thì sẽ dễ bị bong ra khi gặp nước hoặc bị ẩm.

- Sau khi đã trét mát-tít và xử lý bề mặt tường phẳng, dùng ru-lô để lăn sơn nước lên tường.

- Công việc sơn nước đòi hỏi kỹ thuật cao và nhiều công hơn quét vôi. Nhưng nếu lúc đầu xử lý tường phẳng, tốt thì khi muốn sơn nước lại, chỉ cần chà nhám sơ lớp sơn cũ là được.

- Những người thợ sơn nước thường lãnh công khoán. Thường thường tiền công hoàn thiện 5m2 tường tương đương với một ngày công của thợ hồ.

- Sơn nước là công đoạn sau cùng của việc hoàn thiện một công trình. Vì vậy khi chắc chắn là không còn gì phải sửa chữa trên tường (đi dây điện, nước, các thiết bị khác) thì người thợ mới sơn nước những lớp cuối cùng. Sau khi sơn xong nhớ vệ sinh sạch sẽ công trình, điều này dễ gây thiện cảm cho người sử dụng.