Tang lễ Tây Nguyên

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Tín ngưỡng nguyên thủy của một số dân tộc thiểu số ở Kon Tum cho rằng con người chết không phải là hết, chết chỉ là sự chuyển chỗ về với ông bà và tiếp tục tái sinh ở kiếp khác (luân hồi). Do vậy, lễ tang chỉ là một cuộc tiễn đưa đầy lưu luyến giữa người đi kẻ ở. Khi gia đình có người chết, người nhà nổi chiêng, trống báo hiệu cho toàn thể cộng đồng biết để đến cùng gia đình lo làm ma. Người chết được thay áo, váy, khố mới, được đưa ra khỏi nhà và đặt trong nhà tang. Ngôi nhà vừa được cả cộng đồng cùng làm cho ma bằng tranh, tre, nứa gọi là nhà mồ.

Người chết được đặt vào quan tài làm bằng một thân gỗ to, khoét rỗng và đậy nắp rồi buộc chặt lại, sau đó dùng đất sét trét kín những khe hở. Lúc này, mọi người mang đến rượu, heo, gà cùng nhà chủ là bữa ăn cộng đồng chia tay với người chết. Toàn thể cộng đồng ăn uống, nhảy múa, đánh cồng chiêng liên tục cả ngày xung quanh nhà ma. Đến ngày thứ 3 (có khi 4-5 ngày), người ta mới đem đi chôn tại nghĩa địa của làng. Người chết được chia của bằng người sống vì họ cho rằng đến nơi ở mới cần những đồ dùng, phương tiện để tiếp tục sinh hoạt và lao động. Tài sản được chia gồm : Chiêng, ché, gùi, rìu… nhưng tất cả các thứ này đều được làm vỡ hay bẻ gãy, bởi theo quan niệm của họ, thế giới ma là thế giới lộn ngược với thế giới của người sống – xấu là tốt, vỡ là lành, ngày là đêm…