Đạo gia (tức Đạo giáo, theo học thuyết của Lão Tử) cho rằng cái Thần (tinh thần) của con người ở vào ba nơi. Một ở óc, hai ở minh đường (quả tim), ba ở dạ dày. Theo sách "Chư chân huyền ảo" thì cái Thần ấy có thể làm hại người. Ba nơi chư Thần ấy, Đạo giáo gọi là Tam thi.

Theo sách "Thái thượng tam thi trung kính" thì: thượng thi tên Bành Cứ vốn ở đầu con người; trung thi tên Bành Chất vốn ở bụng người; hạ thi tên Bành Kiêu ở chân người. Ba thần này gọi là thần Tam Bành hay xúi giục người làm bậy. Đến ngày Canh Thân, ba vị thần này lén tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho người mau chết để khỏi phải theo dõi nữa. Người ta tin rằng những sự giận dữ, nóng nảy là do thần Tam Bành xúi giục gây ra để cho người dễ làm bậy. Vì giận dữ, nóng nảy dễ làm cho người làm những điều sai lầm. Nhiều việc không thành, đổ vỡ vì giận giỗi, nóng nảy.

Cũng như tục ngữ ta có câu: "No mất ngon, giận mất khôn".

Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn Tú Bà nghe Kiều đã lấy Mã Giám Sinh (chồng bình phong của mụ), mụ ghen tức, có câu:

Mụ nghe nàng nói hay tình Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên.

Nghĩa là mụ nghe Kiều nói rõ sự tình (tình hình, tình trạng về việc nàng đã thất thân với Mã Giám Sinh, coi Giám Sinh là chồng rồi) tức thì mụ mới nổi giận lên đùng đùng.

"Lục tặc" là sáu thứ hại.

Theo Phật giáo thì sáu thứ hại cho sự tu hành là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Sắc đẹp, tiếng thanh tao, mùi thơm, vị ngọt, ấm áp, êm ái dễ làm lòng người giao động xao xuyến. Chúng như có một ma lực huyền bí để quyế rũ, hấp dẫn lôi cuốn người vào bến mê, đọa lạc. Bởi vậy, người tu hành mắt không xem sắc đẹp, tai không nghe tiếng thanh, mũi không ngửi mùi thơm, miệng không nếm vị ngọt, thân thể xa kẻ khác, lòng không tưởng điều tà vậy.

Con người, một khi để Tam Bành, Lục Tặc dậy lên thì tất nguy khốn cho thân mạng, cho cuộc đời. Người nào giết được Tam Bành, Lục Tặc tức là một vị chân tu vậy.