Rắn Trun là loại rắn hiền, chậm chạp, không độc, thường sống dưới những đám cỏ khô, phía bên dưới ẩm - những đám cỏ mà người làm ruộng sau khi phát cỏ, gom ủ lại trên các bờ giồng ngoài ruộng hay các mương lạn, vũng bùn.

Thông thường, nguồn khai thác loại rắn này là do những đứa trẻ ở quê đi giỡ cỏ, bắt được rắn đem bán lại cho một số khâu trung gian mà chuyên cung cấp tận nơi nguồn thực phẩm này cho các quán ăn đặc sản...

Rắn Trun có vóc dáng trung bình, con to lắm cũng chỉ bằng ngón chân cái người lớn, con bé thì cỡ ngón tay trỏ. Rắn Trun mình có khoang đen, khoang đỏ hồng, cách đều nhau chừng 1 đến 2cm, dài lắm cũng chỉ đến 0,5m; mình tròn trịa, mập mạp. Làm thịt rắn Trun khá đơn giản. Người ta đập đầu cho nó chết hẳn, sau đó dùng nước sôi cạo sạch lớp da ngoài (có nơi người ta thui), móc ruột, cắt bỏ đầu, rồi băm nhuyễn thịt rắn Trun như băm thịt Vịt để đánh tiết canh. Kế đến, ướp thịt rắn Trun đã được băm nhuyễn với hạt tiêu, tỏi, bột ngọt, muối ăn, nước mắm ngon cho thơm. Lá cách tươi xắt nhuyễn để sẵn. Chảo bắc lên bếp cho nóng, sau đó cho khoảng một muỗng mỡ heo, đun sôi mỡ, cho sả, tỏi phi thơm rồi cho thịt rắn vào xào. Khi nào thấy thịt rắn hơi tái màu, ta cho lá cách vào xào tiếp, khi lá cách đã tái, nhấc chảo xuống, xúc thịt ra dĩa và rắc đậu phộng rang thơm (đã giã nhỏ bằng hạt gạo) lên trên đĩa xào. Thế là chúng ta đã có món ăn độc đáo, dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn.

Thông thường, rắn Trun xào lá cách ăn với bánh đa (tráng) hoặc bánh phồng tôm. Đây là món nhậu mà những tay sành điệu rất thích. Thịt rắn Trun ăn mát, có tính dược, trị đau lưng, nhức mỏi và bồi bổ rất tốt... Nếu có đi đến Đồng bằng sông Cửu Long, các bạn có thể đến các nhà hàng đặc sản ở Cần Thơ hoặc Vị Thanh, Phụng Hiệp (Hậu Giang) để thưởng thức món ăn mang nét đặc trưng, dân dã, ngon, lạ và giá cả cũng bình dân của vùng đất phương Nam này...