Đối với con người, sau ăn thì đến Mặc là cái quan trọng. Nó giúp cho con người đối phó được với cái nóng, cái rét của thời tiết, khí hậu. Nhân dân ta nói một cách đơn giản : Được bụng no, còn lo ấm cật .Vì vậy, cũng như trong chuyện ăn, quan niệm về mặc của người Việt Nam trước hết là một quan niệm rất thiết thực : “Ăn lấy chắc, mặc lấy bền và Cơm ba bát, áo ba manh, đói không xanh, rét không chết”.

Nhưng mặc không chỉ để đối phó với môi trường, mặc có một ý nghĩa xã hội rất quan trọng : “Quen sợ dạ, lạ sợ áo”. Người ta hơn kém nhau nhiều khi bởi nó :

“Hơn nhau cái áo manh quần

Thả ra ai cũng bóc trần như ai”

và người ta khổ sở nhiều khi cũng vì nó:

“Cha đời cái áo rách này

Mất chúng mất bạn vì mày áo ơi!”

Mặc trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong mục đích trang điểm, làm đẹp cho con người:

“Người đẹp về lụa, lúa tốt về phân, chân tốt về hài, tai tốt về hoa”.

Mỗi dân tộc có cách ăn mặc và trang sức riêng, vì vậy, cái mặc trở thành biểu tượng của văn hóa dân tộc. Mọi âm mưu đồng hóa sau khi xâm lăng đều bắt đầu từ việc đồng hóa cách ăn mặc.

Từ nhà Hán cho đến Tống, Minh, Thanh, các triều đại phong kiến Trung Quốc xâm lược luôn kiên trì dùng đủ mọi biện pháp buộc dân ta ăn mặc theo kiểu phương Bắc song chúng luôn thất bại. Các vua nhà Lí, Trần cho dạy cung nữ tự dệt vải, không dùng vải vóc nhà Tống. Trong lời hiệu triệu tướng sĩ đánh quân Thanh, Quang Trung viết : “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng...”

Vậy cái riêng trong cách mặc của người Việt là gì? Đó trước hết là cái chất nông nghiệp, mà chất nông nghiệp thì thể hiện rõ nhất trong chất liệu may mặc.  

Chất liệu may mặc, để đối phó hữu hiệu với môi trường tự nhiên, người phương Nam ta sở trường ở việc tận dụng các chất liệu có nguồn gốc thực vật là sản phẩm của nghề trồng trọt, cũng là những chất liệu may mặc mỏng, nhẹ, thoáng, rất phù hợp với xứ nóng. Trước hết, đó là tơ tằm. Cùng với nghề trồng lúa, nghề tằm tang có từ rất sớm. Trong những di chỉ khảo cổ thuộc hậu kì đá mới cách nay khoảng 5000 năm (như di chỉ Bàu Tró), đã thấy có dấu vết của vải có dọi xe chỉ bằng đất nung. Cấy lúa và trồng dâu, nông và tang - đó là hai công việc chủ yếu luôn gắn liền nhau của người nông nghiệp Việt Nam. Người Trung Hoa từ xưa cũng đã luôn xem đó là hai đặc điểm tiêu biểu nhất của văn hóa phương Nam; trong chữ "Man" mà Trung Hoa xưa dùng để chỉ người phương Nam có chứa bộ trùng chỉ con tằm.Từ phương Nam, nghề tằm tang đã được đưa lên phương Bắc. Sách Hoàng Đế nội kinh nói về việc này một cách hình tượng là "khi Hoàng Đế chặt đầu Si Vưu thi thần Tằm Tang dâng lụa cho ông" (hiểu là : khi bộ lạc phương bắc do Hoàng Đế làm thủ lĩnh chiến thắng bộ lạc phương Nam do Si Vưu làm thủ lĩnh thì người phương Bắc tiếp thu được bí quyết nghề trồng dâu nuôi tằm của phương Nam). Các sách cổ Trung Quốc như Thủy kinh chú, Tam đô phú, Tề dân yếu thuật đều nói rằng đến đầu công nguyên, trong khi Trung Quốc một năm chỉ nuôi được 3 lứa tằm thì năng suất tằm ở Giao Chỉ, Nhật Nam, Lâm ấp một năm đạt được tới 8 lứa. Để có được nhiều lứa tằm trong năm, tổ tiên ta đã lai tạo ra được nhiều giống tằm khác nhau phù hợp với các loại thời tiết nóng, lạnh, khô ẩm. Đây là một nghề hết sức vất vả cực nhọc : Làm ruộng ba năm không bằng chăn tằm một lứa; Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng. Từ tơ tằm, nhân dân ta đã dệt nên nhiều loại sản phẩm rất phong phú : tơ, lụa, lượt, là, gấm, vóc, nhiễu, the, đoạn, lĩnh, dũi, địa, nái, sồi, thao, vân,... mỗi loại lại có hàng mấy chục mẫu mã khác nhau.

Đến TK XVI-XVIII, khi mà tơ lụa Trung Quốc sản xuất với số lượng nhiều đã chiếm lĩnh thị trường thế giới thì tơ lụa Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao do chất lượng của nó. Năm 1749, một người phương Tây là Poivre nhận xét: "Tơ lụa Đàng Trong so với Trung Quốc thì hơn hẳn về phẩm chất và sự tinh tế. Tơ đẹp nhất là của vùng Quảng Ngãi. Người Trung Quốc mua đi rất nhiều và kiếm lời được từ 10-15%". Trong số 27 mặt hàng chính mà Nhật Bản nhập của Việt Nam thời kì này (ghi lại trong sách Hòa Hán tam tài đồ sương) thì riêng vải lụa đã chiếm 11 mặt hàng. Thời thuộc Pháp, tơ lụa Việt Nam đã trở thành một nguồn lợi to lớn. Riêng trong khoảng 1909-1913, hằng năm Việt Nam xuất sang Pháp 183,3 tấn tơ lụa các loại. Theo điều tra của P- Gourou, trong số 108 nghề thủ còng khác nhau có ở đồng bằng Bắc Bộ vào năm 1935 thì nghề dệt đứng hàng đầu với tổng số trên 54 nghìn thợ dệt. Ngoài tơ tằm, nghề dệt truyền thống của Việt Nam còn sử dụng các chất liệu thực vật đặc thù khác như tơ chuối, tơ đay, gai, sợi bông .

Vải tơ chuối là một mặt hàng đặc sản của Việt Nam mà đến TK VI, kĩ thuật này đã đạt đến trình độ cao và rất được người Trung Quốc ưa chuộng. Họ gọi loại vải này là "vải Giao Chỉ". Sách Quảng chí chép : "Thân chuối xé ra như tơ, đem dệt thành vải... Vải ấy dễ rách nhưng đẹp, màu vàng nhạt, sản xuất ở Giao Chỉ". Cho đến tận TK XVIII, loại vải này vẫn rất được ưa chuộng, Cao Hùng Trưng trong sách An Nam chí nguyên còn ca ngợi : "loại vải này mịn như lượt là, mặc vào mùa nực thì hợp lắm". Vải dệt bằng sợi tơ đay, gai cũng xuất hiện khá sớm. Đất đai và khí hậu Việt Nam rất thích hợp cao những loại cây này phát triển, tổ tiên ta không những biết tận dụng khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có này mà còn thuần dưỡng chúng thành loại cây trồng phổ biến. Sách Trung Quốc thời Hán, Đường đều nói rằng đay, gai ở An Nam mọc thành rừng, dùng để dệt vải. Vải đay gai bền hơn vải tơ chuối nhiều; đem cây đay gai ngâm nước cho thịt thối rữa ra, còn lại tơ đem xe thành sợi dệt vải thì vải cũng mịn như lượt là . Sử sách nước ta ghi: "cứ mỗi tháng vào ngày mồng một, thường triều đều mặc áo tơ gai ".Nghề dệt vải bông xuất hiện muộn hơn nhưng ít ra cũng từ các thế kĩ đầu công nguyên. Sách vở Trung Hoa gọi loại vải này là vải cát bối. Sách Lương thư giải thích: "Cát bối là tên cây, hoa nở giống như lông ngỗng, rút lấy sợi dệt thành vải trắng muốt chẳng khác gì vải đay". Kĩ thuật trồng bông dệt vải từ phương Nam du nhập sang Trung Hoa vào TK X đến TK XI, vải bông trở thành mốt đến nỗi người Trung Quốc dương thời kêu là "vải bông mặc kín cả thiên hạ".

Trong khi sở trường của phương Nam ta là các loại vải nguồn gốc thực vật thì người phương Bắc có sở trường dùng da thú là sản phầm của nghề chăn nuôi làm chất liệu mặc, thêm vào đó, da (và lông) thú lại rất phù hợp với thời tiết phương Bắc lạnh. Mùa lạnh ở Việt Nam, bên cạnh cách mặc đơn giản và rẻ tiền nhất là mặc lồng nhiều áo vào nhau, người ta may độn bông vào áo cho ấm (áo bông, áo mền). Người nông thôn còn dùng loại áo làm bằng lá gồi, gọi là áo tơi mặc đi làm đồng vừa tránh rét,tránh mưa, vừa tránh gió.