(Tích chèo). Trò diễn chèo (ra đời ước định vào TK XVIII) nay đã trở thành một trong vài ba vở hoàn chỉnh nhất trong kịch mục chèo cổ. Tích trò kể về Thị Kính, vì cắt một sợi râu mọc ngược của chồng mà bị kết tội oan là định giết chồng. Bỏ nhà, giả trai đi tu lấy hiệu Kính Tâm. Thị Màu đi lễ chùa gặp và say đắm Thị Kính. Thất tình, Mầu về ăn nằm và có mang với người đày tớ. Bị làng tra hỏi, Mầu đổ cho tiểu Kính thông dâm với mình. Tiểu Kính Tâm bị đuổi ra ở cổng chùa, đi xin sữa nuôi con Thị Mầu giữa sự chê cười của mọi người. Khi đứa bé lên ba thì Kính Tâm kiệt sức, chết và lúc này mới lộ mình là gái. Thị Kính được suy tôn là đức phật Quan Âm. Bên cạnh hình tượng Thị Kính khiêm nhường bác ái, nổi lên hình tượng Thị Mầu táo tợn thách thức đòi quyền yêu tự do. Hai hình tượng tiêu biểu cho hai loại vai nữ chính và nữ lệch trong chèo, đã tạo nên những miếng trò nổi tiếng là hay như “Vu quy”, “Thị Mầu lên chùa”.