Phố Thanh Hà dài 150m, từ phố Nguyễn Thiện Thuật, ngoặt tới Ô Quan Chưởng, thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Xưa kia, phố thuộc đất của thôn Thanh Hà, tổng Hậu Túc, sau đổi là tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương.

Thôn Thanh Hà có ngôi đình, vốn ở vào chỗ gần cửa Ô Quan Chưởng. Đến năm 1817, do sửa chữa, mở mang cửa ô và đường sá nên đình được dời vào chỗ ngày nay là số 77 phố Hàng Chiếu. Đình thờ một anh hùng đời Trần, có công chống quân xâm lược Nguyên Mông.

Thời Pháp thuộc, Thanh Hà là một ngõ nhỏ. Trong bản đồ cũ của Pháp năm 1890 ghi là phố Củ Nâu (vì trong ngõ có nhiều gia đình buôn bán lâm sản của các bè chở đến bến sông).

Thời tạm chiếm, Thanh Hà được chia làm hai đoạn: đoạn đầu đến chỗ ngoặt là phố Thanh Hà; đoạn từ chỗ ngoặt đến cửa ô là ngõ Thanh Hà (hay ngõ Củ Nâu). Sau hòa bình, thống nhất thành một phố mang tên Thanh Hà.

Đường phố gãy góc ở cách đầu ngõ một quãng ngắn, đường rải đá gồ ghề, thiếu vỉa hè cống rãnh. Ngang chỗ đường gãy góc, nhà số 4 là đền Hội Thống thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Hai bên đường hầu như là những tường sau có cổng hậu của những nhà to quay ra phố Bờ Sông hoặc Hàng Chiếu, có những ngôi nhà nhỏ làm thêm ở mấy chỗ còn đất rộng.

Gần hết nửa phố Thanh Hà, lên phía Bắc là tường cạnh của xóm Tư Đường có cổng thông sang phố Bờ Sông.

Xóm Tư Đường nguyên là nhà kho cũ rộng, không có tường ngăn, được Tư Đường, chủ một hãng xe ôtô khách ngoài bờ sông, mua rồi cho sửa lại thành nhiều căn hộ cho nhiều gia đình thuê rẻ tiền.

Có đến bốn mươi căn diện tích từ 12 đến 18m2, nghĩa là đủ kê chiếc giường hoặc phản gỗ, còn thừa thì chứa chất đủ các thứ, đồ dùng linh tinh. Trong ngôi nhà đó có đến bốn trăm con người sống chui rúc. Không có nước máy, nhà không đủ ánh sáng và thiếu cả các công trình phụ tối thiểu.

Sống gần chợ Đồng Xuân nên dân cư trong xóm Tư Đường làm đủ các nghề lao động chân tay, bán quà rong; bọn du thủ chuyên nghề trộm cắp móc túi, đĩ điếm. Trong căn buồng tối, nhiều phản kê sát nhau là tiệm hút thuốc phiện rẻ tiền.

Khu nhà Tư Đường bị tàn phá nặng trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp (năm 1946-1947), rồi được xây dựng lại trong thời kỳ tạm chiếm thành một khu cư dân khang trang với nhiều nhà riêng biệt có kiến trúc đẹp và có sân rộng.

Ngày nay, phố Thanh Hà là một khu phố buôn bán sầm uất nhưng vẫn giữ được dáng vẻ của Hà Nội xưa.