Phố Hàng Ngang dài 152m, nối liền phố Hàng Đào với phố Hàng Đường, là phố giao thông một chiều và là phố đi bộ vào buổi tối các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.

Phố Hàng Ngang xưa thuộc phường Diên Hưng, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long, nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Vào thế kỷ 18, phố có tên gọi phố Hàng Lam - phố chuyên bán đồ tơ lụa màu xanh lam, dành cho các quan tứ phẩm Triều đình sử dụng.

Thế kỷ 19, tên phố đổi thành phố Việt Đông do phố có nhiều người Hoa kiều Quảng Đông sinh sống. Khu phố Hoa kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, và đây có thể là một nguồn gốc của tên gọi phố Hàng Ngang.

Như vậy, có thể nhận thấy phố Hàng Ngang đã được đặt tên dựa vào sự biến đổi của tình hình lúc bấy giờ chứ không còn mang tên như cách đặt của những con phố khác trong khu phố cổ Hà Nội nữa.

Thời Pháp thuộc, phố có tên là “Rue des Cantonnais” (phố người Quảng Đông), có đường tàu điện bánh sắt chạy dọc theo phố. Nhân dân vẫn quen gọi đó là phố Hàng Ngang cho đến ngày nay.

Phố Hàng Ngang có nhiều bộ phận dân cư sinh sống như người Việt Nam, người Hoa và người Việt gốc Hoa ( người Minh Hương). Vào Triều đại phong kiến Việt Nam thời Hậu Lê và thời Nguyễn định ra luật cư trú cho người ngoại quốc rất nghiêm.

Theo lệ cũ, người Hoa được tổ chức thành "bang", tập trung vào mấy nơi ở Hà Nội là phố Việt Đông (Hàng Ngang) và phố Hà Khẩu (Hàng Buồm), hết thời hạn phải về Trung Quốc, nếu tình nguyện ở lại phải thay đổi y phục, phong tục theo người Việt Nam và được gọi là người Minh Hương.

Người Minh Hương ở phố Hàng Ngang có rất nhiều họ lớn, trong đó có họ Phan, anh em họ hàng đều là chủ hiệu tơ lụa lớn, như Phan Vạn Thanh, Phan Dụ Thành, Phan Đức Thành. Họ buôn bán tơ lụa, có người là tư sản mại bản của nhiều công ty nhập khẩu vải sợi của Pháp nên càng có vị trí trong ngành buôn bán tơ lụa.

Ngoài họ Phan, ở phố Hàng Ngang còn có nhiều người Việt Nam giàu có khác như Trịnh Phúc Lợi, Lợi Quyền cũng buôn bán tơ lụa. Hàng tơ lụa bán ở phố này đều thuộc loại cao cấp như gấm vóc, đoạn, nhiễu, sa tanh...

Phố Hàng Ngang còn nổi tiếng có mấy hiệu chè Tàu: Sinh Thái, Chính Thái, Ninh Thái, Song Hỷ. Vào phố này, người ta còn thấy những cửa hiệu cao đơn hoàn tán, họ làm đại lý cho các hãng thuốc Đông Y sản xuất ở Hương Cảng, Thượng Hải, Singapore, Chợ Lớn. Ngoài ra, phố Hàng Ngang có mấy cửa hiệu tạp hoá, vàng bạc, vẽ truyền thần.

Ngày nay, Hàng Ngang là nơi tập trung những cửa hàng quần áo đủ kiểu, từ quần bò, complê, veston, blouse, y phục mùa đông, mùa hè, mùa thu... cũng có những gian hàng buôn bán đồng hồ, nữ trang, kim hoàn xen kẽ.

Chẳng thế mà các du khách nước ngoài khi thăm Hà Nội thích đáp xích lô ra bờ hồ Hoàn Kiếm, qua phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Đào, Hàng Ngang rồi mới rẽ sang các phố cổ khác của Hà Nội.

Phố Hàng Ngang có một ngôi nhà được xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa, đó là ngôi nhà số 48, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc trong những ngày sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và viết bản “Tuyên ngôn Độc Lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Về Di tích lịch sử văn hóa - nhà số 48 phố Hàng Ngang

Nhà số 48 phố Hàng Ngang là nơi Bác Hồ viết “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945 và đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa theo Quyết định số 54VH/QĐ ngày 29/4/1979.

Trước cửa nhà hiện có gắn một tấm bảng đá nổi bật với dòng chữ vàng: “Trong ngôi nhà này, tại một phòng gác nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Chủ ngôi nhà ông bà Trịnh Phúc Lợi. Đến những năm đầu thế kỷ XX, ông bà Lợi đã trao cho vợ chồng người con lớn là Trịnh Văn Bô quản lý. Gia đình ông bà Trịnh Văn Bô là một gia đình yêu nước, được giác ngộ cách mạng và là một trong những cơ sở cách mạng tại nội thành.

Ngôi nhà đã được ông bà Trịnh Văn Bô sửa sang, tôn tạo theo lối kiến trúc hiện đại thời thuộc Pháp. Nhà có 4 tầng, tầng dưới làm cửa hàng bán tơ lụa, tầng 2 và 3 có nhiều phòng dùng làm phòng tiếp khách, phòng ăn, phòng ngủ, tầng 4, ngoài phòng dùng làm kho chứa hàng, còn có một sân thượng phơi phóng.

Ngôi nhà chạy dài, sâu hun hút theo kiểu “nhà ống” cổ truyền, mặt trước là cửa hàng, mặt sau quay ra 35 phố Hàng Cân, là sân, bếp núc, khu phụ.

Nằm lọt giữa khu buôn bán sầm uất, khách hàng ra vào nhiều, nên ngôi nhà đã sớm được chọn làm nơi ở và làm việc của Bác và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng trong những ngày đầu Cách mạng tháng 8/1945.

Ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thắng lợi rực rỡ. Sáng 20/8/1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Hà Nội ra mắt đồng bào Thủ đô.

Trong chuỗi sự kiện lịch sử trọng đại đó, ngày 22/8/1945, tại số nhà 48 phố Hàng Ngang, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng với Thường vụ Trung ương Đảng họp, ra chỉ thị cho các nơi tiếp tục giành chính quyền theo gương Hà Nội và cử ông Lê Đức Thọ lên Tân Trào đón Hồ Chủ tịch về Hà Nội.

Congdongviet net -200502-131358.PNG

Ngày 25/8/1945, Người về đến Thủ đô. Tại tầng 2 của ngôi nhà, phòng ăn của gia đình chủ nhà đã được dùng làm phòng họp của Bác với Thường vụ Trung ương Đảng.

Căn phòng rộng chừng 60m2, chính giữa phòng là một chiếc bàn chữ nhật có kích thước lớn bằng gỗ màu cánh dán sẫm, 8 chiếc ghế tựa mềm bọc nỉ xanh phủ trắng.

Tại đây, ngày 26/8/1945, Hồ Chủ tịch đã chủ trì cuộc họp với Thường vụ Trung ương Đảng bàn việc mở rộng thành phần Chính phủ nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tổ chức yêu nước, quyết định ngày ra mắt Chính phủ lâm thời trước quốc dân Đại hội vào dịp mồng 2/9/1945.

Góc phải phía ngoài của phòng họp còn có một chiếc bàn nhỏ và một chiếc ghế tựa cũng được bọc nỉ phủ vải trắng. Trên bàn là chiếc máy chữ mà Bác Hồ đã dùng từ Chiến khu Việt Bắc, Bác đã dùng chiếc máy chữ này soạn thảo các chỉ thị của Đảng và Tuyên ngôn Độc lập.

Qua hành lang sang phía ngoài là 2 căn phòng, một phòng của Bác,và một phòng tiếp khách. Phòng khách thông với phòng ở và làm việc của Bác và có ban công nhìn ra mặt phố Hàng Ngang. Căn phòng rộng chừng 50m2, có cửa kính, cửa chớp, che rèm lụa trắng, mé trái tường kê một chiếc tủ và một đi văng - nơi các đồng chí bảo vệ thường ngồi quan sát.

Căn phòng nhỏ của Bác diện tích chừng 20m2, đồ đạc rất đơn sơ. Góc trong kê một chiếc bàn tròn, một chiếc ghế bành có tựa cao, bọc vải trắng. Góc bên đặt một chiếc đi văng, một chiếc tủ gỗ màu cánh dán và một chiếc giường vải xếp Bác vẫn nằm nghỉ ngơi.

Chính tại căn phòng nhỏ bé này, Bác Hồ đã khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, chấm dứt chế độ thực dân và phong kiến ở nước ta, đồng thời mở đầu một Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên nhân dân ta tự nắm lấy vận mệnh của mình để thực hiện Độc lập - Tự do và Hạnh phúc.

Khi Bác đi xa về cõi vĩnh hằng, mong muốn của nhân dân, của Đảng và Nhà nước mới được thực hiện, nhà 48 phố Hàng Ngang trở thành di tích cách mạng, di tích lưu niệm về Chủ tịch kính yêu của Thủ đô, của Dân tộc Việt Nam.