Phố Hàng Mành, một trong 36 phố cổ của Hà Nội xưa, dài 150m nối phố Hàng Nón với phố Lý Quốc Sư. Thời Pháp thuộc, phố được gọi là “Rure des Stores” tức là phố “Hàng Mành”.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ta đã chính thức hóa tên gọi này. Ngày nay, phố Hàng Mành thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Phố Hàng Mành nguyên là đất thôn Yên Thái và thôn Kim Bát thượng, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ, (Tới giữa thế kỷ XIX thôn Kim Bát hợp với thôn Cổ Vũ thành thôn Kim Cổ, tổng Tiền Túc cũng đổi ra là Thuận Mỹ).

Congdongviet net -200502-130208.PNG

Phố Hàng Mành ra đời khoảng trên một trăm năm nay, do một số người dân làng Giới Tế (thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc ngày nay) di cư đến lập nghiệp. Làng Giới Tế là một làng chuyên làm mành, đã có tên nôm là “Rừng Mành”. Nơi đây chính là cái nôi của nghề cổ truyền này.

Hàng Mành có cụ giáo Quý, gần đầu ngõ Yên Thái. Trẻ con ở lứa tuổi học vỡ lòng khắp khu vực mấy phố như Hàng Hòm, Hàng Điếu, Hàng Mành trong những năm 1910-1915 đều là học trò của cụ trước khi vào tiểu học nhà nước; trong số này có Tú Mỡ, Hồ Trọng Hiếu...

Sau năm 1920, giá trị nhà đất khu phố buôn bán tăng, nhiều người có tiền tậu đất, phá nhà cũ nát, xây nhà mới có gác, như: tại số nhà 32 có cả một dãy nhà nhiều gian cho thuê, nhà in Lê Văn Phúc số 16 Hàng Bông có cổng sau ở Hàng Mành, số 27 Hàng Mành là cổng sau của nhà số 36 Hàng Hòm, nhà của chủ thầu vệ sinh của thành phố, dãy nhà bên số lẻ giáp Hàng Bông của quan Tuần phủ Nguyễn Đình Quỳ...

Trong lịch sử cách mạng Thủ đô, thời kỳ cuối năm 1938, ngôi nhà số 1 phố Hàng Mành, lúc bấy giờ là hiệu cắt tóc do đồng chí Nguyễn Bá Song mở ra, được dùng làm nơi liên lạc của đảng bộ Hà Nội và là cơ sở bí mật của đồng chí Hoàng Văn Thụ, lúc ấy lấy bí danh là Tôn.

Khoảng hai mươi năm trở lại đây, chỉ còn một số ít hộ sản xuất mành, như cửa hàng Hùng Hải số 1A, cửa hàng Khang Lợi số 3. Đi qua đây, nhiều khi ta thấy mấy bác nghệ nhân già trải rộng chiếc mành nhuộm màu xanh đang múa bút, dùng màu đỏ vàng trắng trong những chiếc chậu sành nhỏ, vẽ rồng phượng và hoa văn lên nền nứa tre đan.

Sản phẩm mành giờ đây cũng đa dạng và phong phú hơn rất nhiều, sử dụng nhiều chủng loại nguyên liệu như tre, trúc, gỗ, vỏ cây, cây cỏ có thân cứng, lá cây và có công năng cao được dùng trong nội thất gia đình như: mành trải bàn, mành bình phong, mành tranh, mành rèm, đèn lồng bằng mành tre…

Với khẩu ngữ “Tâm vàng, phẩm ngọc” được những người chủ nơi đây lấy làm chuẩn mực cho cách kinh doanh hàng hóa của mình nên năng suất bán hàng ngày càng tăng cao, chất lượng sản phẩm ổn định. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đều đặn trên 15%/năm trong suốt những năm qua. Có tới hơn 200 mẫu mã, kiểu dáng mành được xuất khẩu sang 15 nước ở cả 5 châu lục như Anh, Ấn Độ, Đức, Hà Lan, Italy, Mỹ, Nhật Bản, Nam Phi, Pháp, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia

Cũng như nhiều phố cổ ở Hà Nội, phố Hàng Mành đã tạo được nét đặc trưng cho riêng mình với bản sắc của phố nghề trong thời kỳ đổi mới.

Ngày nay, Hàng Mành được coi là một phố ở Hà Nội có nhiều nhà hàng, khách sạn tư nhân kinh doanh, buôn bán. Phố còn nổi tiếng với món bún chả quen thuộc của người Hà Nội - "Bún chả Hàng Mành".