Phố Hàng Chiếu dài 280m, nối từ cửa Ô Quan Chưởng đến ngã tư Hàng Đường-Đồng Xuân, thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Có 3 phố rẽ vào Hàng Chiếu từ cửa ô Quan Chưởng là Ô Quan Chưởng, Thanh Hà và Đào Duy Từ. Phố có mặt cắt 11m, hiện nay là con phố buôn bán sầm uất với nhiều loại mặt hàng.

Phố được xây trên đất thôn Thanh Hà, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Ngày xưa, nơi đây bán nhiều chiếu cói và còn có bán cả bát (nên còn có tên là phố Hàng Bát).

Congdongviet net -200502-124739.PNG

Đình thôn Thanh Hà trước ở gần kề cửa Ô Quan Chưởng, năm 1817 sửa chữa cửa ô, mở rộng thêm đường nên được di dời vào số nhà 77 Hàng Chiếu nhưng mặt chính lại quay ra số 10 ngõ Gạch. Đền thờ ông Trần Lựu, tướng đời nhà Trần, có công chống giặc Nguyên.

Thời Pháp, phố có tên là Rue Jean Dupuis, theo tên một lái buôn súng ống đạn dược cho quân đội Pháp. Đây là con phố đầu tiên quân đội Pháp có ý định mở mang sau khi chiếm được Hà Nội vào năm 1883.

Năm 1888, thực dân Pháp phóng hỏa đốt trụi cả dãy phố. Sau đó, khu này được xây dựng lại theo một quy hoạch mới: nhà mặt phố phải được xếp thẳng hàng, đường phố có vỉa hè, có trồng cây hai bên, có đèn thắp ban đêm, nghĩa là có quang cảnh một phố theo kiểu Pháp. Đây là phố đầu tiên ở Hà Nội có kiến trúc kiểu tây nên người dân còn quen gọi là phố Mới.

Sau vì nhiều lý do như bến tàu ngoài sông bị cát bồi phải dời lui xuống phía dưới, chỗ ngang Cột Đồng Hồ đầu Hàng Muối, thì bên trong cửa Ô Đông Hà không có triển vọng mở mang lớn vì vướng khu phố cũ, đường phố hẹp, nhà cửa nhỏ, nên các thương gia Pháp đã hướng về phía khác để mở cửa hàng.

Từ cuối những năm 90 thế kỷ 19, Phố Hàng Chiếu không có thay đổi nhiều về mặt xây dựng.

Congdongviet net -200502-124757.PNG

Phố vừa chạy thẳng ra cửa ô, lại kề chợ Đồng Xuân nên tấp nập người qua lại nhưng không phải chốn để nhà giàu lâp nghiệp. Vì thế, nó vẫn mang tính chất như cửa ngõ xuất hiện nhiều cơ sở dịch vụ hơn là kinh doanh.

Đối với lịch sử của Thủ đô Hà Nội, phố Hàng Chiếu cũng chứng kiến một sự kiện đặc biệt. Trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, phố Hàng Chiếu là Trung tâm của Liên khu I và đứng vững cho đến ngày 17/2/1947, khi Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Thành phố.

Thời gian đó giữa lúc cả Hà Nội, cả Liên khu I đang là một chiến trường ác liệt mịt mù khói súng thì đúng ngày 1 tết Đinh Hợi (tức ngày 22/1/1947), một bữa tiệc do Trung đoàn Thủ đô tổ chức tại số nhà 85 phố Hàng Chiếu với danh nghĩa là chiêu đãi các ngoại kiều nhưng thực chất là để tập hợp các đại biểu lại, giải thích cho họ rõ tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến, đồng thời cho họ thấy tận mắt nhìn thấy khí thế và thực tế vững mạnh của Liên khu I, gián tiếp bác bỏ luận điều tuyên truyền của giặc Pháp là Liên khu I đang kiệt quệ, Trung đoàn Thủ đô đang tan rã.

Phố Hàng Chiếu ngày nay là đường phố có từ lâu đời, nối khu vực những phố bên ngoài Cửa Đông thành Hà Nội với bến sông, qua cửa ô Đông Hà. Cửa ô đó hiện nay vẫn còn và là cửa ô duy nhất của Hà Nội cũ còn tồn tại trong số ngót hai chục cửa ô đã bị phá hủy khi mở mang phố xá.