Phố Hàng Đậu dài khoảng 272m, thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố có hướng Đông-Tây, bắt đầu từ đường Trần Nhật Duật đến vườn hoa Vạn Xuân, phố Phan Đình Phùng.

Nguồn gốc tên phố

Phố có tên Hàng Đậu vì tại đây xưa kia có nhiều cửa hàng bán các loại đậu hạt (đậu xanh, đậu tương, đậu đen...) và những sản phẩm từ đậu (đậu phụ, giá đỗ...). Đây là những sản vật của dân đất bãi sông Hồng và các tổng xung quanh.

Thời Pháp thuộc, phố được gọi là “Phố các hạt” (Rue des Graines). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng khôi phục lại tên gọi cũ là phố Hàng Đậu.

Ngày nay, phố Hàng Đậu không còn ai buôn bán các loại đậu nữa mà chuyển sang kinh doanh nhiều mặt hàng như lốp ôtô, sửa chữa và bán phụ tùng ôtô, xe máy, thuốc, điện thoại di động, cá cảnh, bể cá các loại... Những quầy hàng bán các loại đậu đã chuyển sang phố Trần Nhật Duật.

Di tích lịch sử

Vào thế kỷ 19, phố Hàng Đậu được coi như đường ranh giới giữa hai khu Cửa Bắc và Cửa Đông. Phố Hàng Đậu thuộc thôn Phúc Lâm, tổng Tả Túc (sau đổi là tổng Phúc Lâm, ở nửa phố phía Đông) và thôn Nghĩa Lập, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân, ở nửa phố phía Tây), huyện Thọ Xương.

Di tích còn lại của các thôn này là những đình, miếu: Đình Phúc Lâm: nhà số 2, phố Gầm Cầu, ngay đầu phố Hàng Đậu. Đình Phúc Lâm thờ thần Mộc Thị (tín ngưỡng thờ cây) và Đình và đền Nghĩa Lập: nhà số 32, phố Hàng Đậu. Đình Nghĩa Lập thờ thần Bạch Mã. Đền Nghĩa Lập thờ Tứ vị Hồng Nương - những bà Thánh trợ giúp người đi sông biển (thôn Nghĩa Lập ở sát sông Hồng).

Đầu phố, ở ngã tư phố Hàng Đậu và phố Nguyễn Thiệp xưa có một cửa ô tên là cửa ô Phúc Lâm hay còn gọi là ô Hàng Đậu (tới giữa thế kỷ 19, cửa ô này đổi tên là ô Tiền Trung) có hình dạng bên ngoài tương tự như cửa ô Quan Chưởng.

Cửa ô này bị phá khi xây cầu Dốc Gạch nối với cầu sắt sông Cái. Bên ngoài cửa ô là một bến sông Bến Chùa Bà Móc. Ngày nay, không còn dấu tích của cửa ô Hàng Đậu - một trong năm cửa ô của Hà Nội xưa nữa.

Congdongviet net -200502-131748.PNG

Vào cuối thế kỷ 19, ở phố Hàng Đậu có một trường học nổi tiếng của Hà Nội, đó là trường Cúc Hiên, tên hiệu của Tiến sĩ Lê Đình Duyên (1819-1878). Lê Đình Duyên là một trí thức, một sĩ phu yêu nước.

Ông nguyên là người làng Mọc Hạ Đình (Thanh Trì, Hà Nội). Ông đỗ Nhị giáp Tiến sĩ năm 1849 và làm các chức Đốc học Nghệ An, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Đốc học Hà Nội. Ông đã góp phần đào tạo một lớp trí thức Hà Nội cũ.

Năm 1870, ông về nghỉ và mở trường dạy học ở phố Hàng Đậu. Ban đầu, trường chỉ là một ngôi nhà năm gian bằng tre lá. Về sau để tỏ lòng kính yêu thầy, những học trò của ông cùng nhau xây lại trường bằng gạch.

Ngôi trường này gồm nhà tiền tế (là nơi dạy học) và nhà thờ Cúc Hiên (lúc ông còn sống là nơi thờ gia tiên). Trong nhà tiền tế có bức hoành “Quân tử thành mỹ” của Vũ Nhự - một học trò cũ làm Đốc học Hà Nội cung tiến năm 1881. Hiện nay, mặt tiền khu trường đã cải tạo thành cửa hàng thuộc số 39, phố Hàng Đậu.

Ngoài ra, có một vài công trình gần đó tuy không nằm trên phố Hàng Đậu nhưng cũng mang tên Hàng Đậu đó là sở cấm Hàng Đậu, tháp nước Hàng Đậu và vườn hoa Hàng Đậu.

Sở cấm Hàng Đậu (bóp Hàng Đậu) nằm gần ngã tư phố Phan Đình Phùng và Hàng Cót. Cùng với bóp Hàng Trống, đây là một trong hai bóp cảnh sát lớn của Hà Nội xưa.

Tháp nước Hàng Đậu nằm ở ngã sáu các phố Hàng Đậu-Hàng Than-Quan Thánh-Phan Đình Phùng-Hàng Cót-Hàng Giấy. Năm 1894, tháp nước được xây dựng bằng đá từ phế liệu phá thành Hà Nội. Tháp trông như một pháo đài gồm ba tầng, hình trụ tròn đường kính 19m, cao 25m, mái tôn hình chóp nón, xung quanh có những cửa sổ nhỏ gôtích như lỗ châu mai.

Trong tháp, những bức tường đá được xây cách đều như nan hoa của chiếc bánh xe, có cửa thông để đi vòng quanh. Trên những bức tường này là những bể chứa nước bằng tôn, gọi là chòi nước. Mỗi chòi có thể chứa được 1.250m3 nước. Nước từ đây đi thẳng vào thành, nơi quân đội thực dân Pháp đóng và phân phối nước về các khu phố khác. Tháp nước này bị bỏ không từ năm 1954.

Vườn hoa Hàng Đậu (nay là vườn hoa Vạn Xuân) thuộc phố Phan Đình Phùng. Đây là vườn hoa lớn, có vòi phun nước và nhiều cây. Ngày nay, vào dịp giáp Tết, những người bán hoa ở chợ hoa Hàng Lược thường đem hoa, cây cảnh sang đây bày bán. Đây là một nét đẹp đặc biệt của Hà Nội.