Nằm trên dải đất khiêm tốn ven dòng Hương giang, cách trung tâm thành phố khoảng 3km về phía Tây Nam, phường Đúc ở Huế vốn có gốc gác từ Chú tượng ty thời nhà Nguyễn. Cách đây vài thế kỷ, đây là công xưởng đúc đồng lớn, hoạt động rộn ràng một thời, cung cấp cho Đàng Trong và triều Nguyễn về sau những sản phẩm quan trọng như binh khí, đồ lễ nghi, sinh hoạt ... Hiện nay, phường Đúc chỉ quần tụ trong năm xóm nhỏ với những tên gọi riêng: Giang Dinh, Giang Tiền, Kinh Nhơn, Bản Bộ, Trường Đồng mà dân gian thường gọi là năm dãy thợ đúc.

Từ dòng họ Nguyễn đầu tiên đến đây vốn gốc gác ở Bắc Ninh mà ông Nguyễn Văn Lương là ông tổ khai nghiệp, rất nhiều người ngoại tộc đã trở thành rể các chủ lò họ Nguyễn và được truyền nghề như họ Tống, họ Lê, họ Huỳnh… Lớp hậu duệ này đã trở thành những truyền nhân xứng đáng, góp phần làm nên nét đẹp của một làng nghề.

Phường Đúc hiện nay có trên 50 lò với các sản phẩm rất đa dạng: từ đồ lễ nghi như tượng, tráp, quả…cho đến đồ gia dụng như ống bút, bình hoa, xoong, nồi, chảo…Hiện nay đa phần trong số họ tập trung vào việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và đồ nghi lễ. Những bàn tay vàng như nghệ nhân Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Văn Thoạn đã từng chỉ huy nhiều tốp thợ làm nên những công trình lớn như Đại Hồng Chung (chuông lớn), tượng phật, tượng lãnh tụ, doanh nhân, các tác phẩm nghệ thuật…sử dụng đến 4-5 tấn đồng, nổi tiếng từ Bắc đến Nam. Lớp thợ trẻ không kém tài hoa như Nguyễn Văn Tuệ, Tống Viết Tuấn, Nguyễn Văn Viện có thể tạo mẫu hoặc tạo nên những sản phẩm mang phong cách riêng biệt, giành nhiều giải thưởng trong các hội thi toàn quốc.

So với các làng nghề khác ở Huế, Phường Đúc hiện nay là một trong những nơi sinh hoạt nghề nhộn nhịp nhất. Nét đáng quý là quá trình kỹ thuật truyền thống vẫn được những người thợ ở đây gìn giữ gần như nguyên vẹn. Ngoài việc thay chiếc bệ tạo gió thủ công bằng động cơ thổi khi nấu nguyên liệu, quy trình còn lại hầu như đều làm bằng tay. Từ động tác sú đất, nặn khuôn, giáp khuôn, chèn khuôn, bố khuôn để đưa vào lò cho đến công việc nung khuôn - pha chế hợp kim - nấu chảy nguyên liệu rồi ra cơi, rót khuôn, làm nguội, đánh bóng, nhuộm sản phẩm, đó là một quá trình đòi hỏi không chỉ lao lực mà còn thử thách trí tuệ và tài năng của người thợ. Sản phẩm trọi (hoàn hảo) không chỉ mang ý nghĩa lành lặn và giống như đúc với bản rập (mẫu) về mặt ngoại hình mà còn phải đáp ứng một số tiêu chuẩn về chất lượng khác.

Những tác phẩm bằng đồng tiêu biểu còn lại trên đất Huế ngày nay như vạc đồng, cửu đỉnh, đại hồng chung ở danh lam Thiên Mụ, khánh, tượng hay chín khẩu thần công trước Hoàng Thành Huế… là niềm kiêu hãnh khôn cùng của những người thợ đúc nơi đây.

Một thành phố đang chọn hướng phát triển dựa trên ngành công nghiệp không khói như ở Huế, việc ưu tiên phát triển hàng thủ công mỹ nghệ là đặc biệt quan trọng. Với bề dày lịch sử và những tác phẩm bất hủ vượt thời đại của mình, Phường Đúc ở Huế hiện nay xứng đáng là một địa chỉ thú vị cho khách du lịch và những nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự thừa nhận cũng như tiếp nhận nồng nhiệt từ khách hàng chính là nguồn động viên tích cực cho việc nâng cao tay nghề, tạo sự hưng phấn cũng như lòng tự hào về công việc cùa những người thợ đúc đồng Huế hôm nay.