Nuôi lươn

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Có thể nuôi lươn trong ao đất hoặc trong bể xây, tuỳ điều kiện cụ thể. Chọn nơi có địa thế cao, hướng về phía mặt trời, tránh gió. Có thể cấp - thoát nước dễ dàng.

Diện tích bể xây thường từ 10- 20 m2, cũng có thể tới 50- 100m2, sâu 0,7 - 1m, thành bể láng nhẵn, đáy nện chặt, trên phủ một lớp bùn sạch 30 cm, hoặc để lớp đất pha sét hay đất màu xốp trên diện tích đáy bể.

Bờ ao hoặc bể cao hơn 30 cm so với mặt nước. Ao, bể phải có cống cấp và thoát nước, miệng cống phải bịt lưới để lươn không chui ra ngoài.

Ương giống

Trước khi ương, giữ mực nước 10cm, dùng 2-2,5 kg vôi sống để khử trùng ao 10m2. 10 ngày sau có thể thả lươn bột.

Vớt lươn bột: Mùa xuân lươn con thường ra khỏi hang để kiếm mồi. Chiều tối cho mồi vào lờ, dùng đèn soi, dùng vợt tam giác đón vớt ở các mương, ao, bờ có nhiều thực vật thuỷ sinh.

Vớt trứng về ấp: Từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa lươn sinh sản. Có thể tìm ở bờ ruộng, bờ mương, ao, hồ - nơi có nhiều cây cỏ mọc (những đám bọt khí nổi lên ở ven bờ ruộng, mương, ao, hồ). Dùng gáo hay vợt có mắt lưới dày, mịn để vớt các ổ trứng cho vào thùng có sẵn nước, đưa về ao ấp. ở nhiệt độ 25-30 độ C, sau 1 tuần trứng nở thành lươn bột.

- Vớt lươn bột đem ra ao, bể ương, dùng lòng đỏ trứng gà luộc chín, giun, ốc băm nhỏ bổ sung thêm nguồn thức ăn.

Nuôi lươn thịt

Thả giống

Căn cứ vào điều kiện môi trường và trình độ quản lý của người nuôi mà quyết định, thường từ 80-160 con /m2 (loại 30-40 con /kg). Nên chọn giống đồng cỡ để tránh hiện tượng ăn thịt lẫn nhau. Trước khi thả nuôi phải tắm nước muối 4% trong 5 phút để khử trùng, phòng bệnh cho lươn con.

Cho ăn

- Thức ăn tốt nhất cho lươn là giun đất. Cứ 4-6kg giun có thể tăng trọng 1kg lươn, có thể dùng thịt ốc bươu vàng, trai, hến... cho lươn ăn sẽ cho hệ số thức ăn từ 7, 5-10kg/1kg lươn tăng trọng. Lượng thức ăn bằng 5-7% trọng lượng đàn lươn.

- Có thể cho lươn ăn thêm cám, bã đậu, các loại rau quả băm nát. Sau khi thả giống, không nên cho lươn ăn liền mà để nó thích nghi với môi trường mới 3 đến 5 ngày rồi mới bắt đầu cho ăn. ở những nơi không có điều kiện cung cấp thức ăn tươi sống tốt thì lúc đầu cho ăn giun, sau đó cho kèm với thức ăn hỗn hợp đến khi đã quen thì cho ăn hoàn toàn thức ăn hỗn hợp.

- Cho lươn ăn theo nguyên tắc "4 định: Định chất lượng, định số lượng, định thời gian và định vị trí". Phải cho lươn ăn no thức ăn luôn tươi sống, đảm bảo chất lượng tốt cho ăn vào 6 giờ sáng và 18 giờ chiều. Thức ăn đặt trên sàn là tốt nhất, vừa tiện việc theo dõi tình trạng hoạt động của lươn vừa kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.

 Quản lý ao, bể nuôi

Ao nuôi lươn yêu cầu nước giàu dinh dưỡng, lưu thông, sạch, duy trì hàm lượng ôxy hoà tan từ 3 mg /l trở lên. Định kỳ 5-7 ngày thay nước một lần. Những ngày nhiệt độ cao thì chu kỳ thay nước ngắn hơn và phải thường xuyên vớt bỏ thức ăn thừa, rác bẩn và vệ sinh dụng cụ cho ăn.

 Duy trì mực nước trong ao trên 20 cm (mùa hè là 30-40cm) có thể thả bèo, lục bình, rau muống... để làm sạch nước và tạo chỗ trú ẩn cho lươn. Vào mùa đông, nếu nhiệt độ xuống thấp, tháo cạn bớt nước, chỉ giữ lại một ít, vẫn để lớp bùn nhão, đồng thời phủ lên 1 lớp rơm hay thảm cỏ để giữ nhiệt độ ấm cho lươn qua đông an toàn.

Mới đây, ở tỉnh Tiền Giang, người nuôi lươn đã thử có kết quả việc thả trong bể nuôi lươn những túm dây nylon màu đen để làm chỗ trú cho lươn.

 Bệnh tuyến trùng: Do ký sinh trùng đường ruột gây viêm ruột sưng đỏ, khi bệnh nặng lươn sẽ yếu, hậu môn sưng đỏ và chết dần. Điều trị bằng cách dùng Dipterex tinh thể 90% trộn vào thức ăn với liều lượng 0,1g thuốc/kg lươn, cho ăn liên tục trong 6 ngày.

 Bệnh lở loét: Do ký sinh trùng, vi trùng bám vào vết thương làm trên mình lươn xuất hiện nhiều vết tròn lở loét, bơi lội khó khăn, đầu lươn ngoi lên khỏi mặt nước, bệnh thường xảy ra vào tháng 5 đến tháng 9. Để phòng bệnh, trước khi nuôi nên sát trùng bể, ao bằng vôi. Khi lươn bị bệnh dùng 250.000UI Strepto- mycine/m3 để phun toàn bể, kết hợp 0,5g Sulfamidine trộn vào thức ăn cho 50 kg lươn ăn một lần /ngày, điều trị từ 5-7 ngày kết hợp bôi thuốc tím trực tiếp vào vết loét.

 Bệnh sốt nóng: Do nuôi với mật độ dày, dịch nhầy lươn tiết ra trong nước, lên men, độ nhớt tăng lên, làm nhiệt độ nước tăng theo, hàm lượng ôxy giảm. Đầu lươn bệnh sưng phồng to, chết hàng loạt. Lúc xảy ra bệnh phải giảm mật độ nuôi, thay nước có thể thả tạm vài con cá trê để chúng ăn thức ăn thừa đề phòng lươn cuốn vào nhau bằng cách thả thêm 10- 15 con chạch đồng/m2, bảo đảm tốt chất lượng nước. Khi phát hiện bệnh dùng dung dịch Sulfat đồng 0,07% với liều lượng 5ml/m3 nước tưới vào bể nuôi.