Dân cư sinh sống ở Sài Gòn xưa là bốn dân tộc Khơme, Việt, Hoa, Chăm. Mỗi dân tộc có một phong cách trang phục riêng. Những bộ trang phục của mối dân tộc này nhắc nhớ thuở ban sơ của Sài Gòn với những giồng đất, kênh rạch và sự giao thoa văn hoá của một thương cảng sầm uất thuở ban đầu. Khơme, Việt, Hoa, Chăm là bốn dân tộc chính có mặt từ những ngày đầu của Sài Gòn. Người Khơme là cư dân lâu đời nhất định cư trên giồng đất cao; sau đó, người Việt đến khai phá từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Người Hoa đến đây lập nghiệp từ cuối thế kỷ XVII. Truyền thống buôn bán của những người Hoa trong phong trào phản Thanh phục Minh được mang sang đây, góp phần vào sự phát triển của thương cảng lớn này. Sau đó là những bước chân của người Chăm đặt lên đây trong cuộc Nam tiến khá mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XIX. Và nếp sinh hoạt, đặc điểm văn hoá, kinh tế ảnh hưởng thông qua cách ăn mặc, trang phục.

Thuở ban đầu, người Hoa sang Việt Nam vẫn tóc đuôi sam, áo lụa tàu điểm hoa văn hoặc chữ phúc; hai tay rộng, mũ rộng vành và chủ yếu sinh sống bằng nghề tiểu thủ công và buôn bán.

Trong khi đó, người Khơme ưa mặc khăn rằn, váy áo gọn, thiên về nét nền nã, duyên dáng của miệt đồng bằng Nam bộ, thuận tiện cho việc đồng áng. Người Chăm phát triển về thổ cẩm, trang phục hơi cầu kỳ về tiết tấu hoa văn trên nền vải vóc.

Người Chăm ở Sài Gòn cũng có cách ăn mặc khác so với người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận nhờ những cách điệu để thích ứng với khí hậu và sự năng động, không khí phố phường với những bộ váy áo biến tấu nhiều so với truyền thống; ít khi chít chăn và mang hai khuyên bằng chùm len, vải đỏ hai bên tai.

Trong khi đó, người Kinh quen với đồng áng, lúa nước lại chọn khăn rằn quấn cổ và áo nâu sồng, quần đen thanh thoát trên những đồng lúa hay trên sông nước ngày xưa…Đặc biệt là chiếc áo bà ba là nét đặc trưng của người Kinh ở Sài gòn. Nó tạo thành nét đẹp duyên dáng đậm đà của người dân Sài gòn xưa và nét đẹp đó còn tồn tại đến tận ngày nay.