<u2:wrap type="square"></u2:wrap> 

Cùng với thời gian, nghề thêu ở Việt Nam đã từng nổi tiếng với sản phẩm của các làng nghề Hà Tây, Bắc Ninh, Hải Dương...nhưng những tác phẩm đặc sắc thêu pha dua ở làng Văn Lâm (xã Ninh Hải, Hoa Lư - Ninh Bình), có lẽ chưa nơi nào sánh kịp. Theo thần phả, nghề thêu ở đây có từ hơn 700 năm trước. Ông tổ nghề là Ðỗ Công Hậu - một vị tướng thời Trần vốn có tài quân sự lại tài hoa. Tương truyền, ông đã học được nghề thêu nhân một lần đi thi tướng tài ở Trung Quốc thấy một bức trướng tuyệt đẹp đã dụng công quan sát, nhập tâm về dạy cho dân làng. Tỏ lòng biết ơn người đã truyền nghề, dân làng lập đền thờ ông và bảo ban con cháu học và cố giữ lấy nghề. Sống cũng như nhiều làng nghề khác, để có chỗ đứng trong thị trường, người Văn Lâm đã bao phen trôi nổi tìm hướng đi cho mình.

Các cụ nghệ nhân còn lại ít ỏi trong làng : Chu Văn Chõn (gần 70 tuổi), Chu Văn Lương (76 tuổi) và Chu Văn Huê (gần 80 tuổi) đã chứng kiến không ít thăng trầm về nghề của quê hương. Trước những năm 70, khi các mặt hàng mỹ nghệ chưa được xuất sang các nước Ðông Âu, việc sản xuất ở làng mang tính chất làm ăn nhỏ, tự sản tự tiêu. Cho đến lúc cánh cửa sang khu vực này rộng mở, số người làm thêu tăng lên gấp bội. Nhưng vào thời bao cấp đó , người sản xuất lại bị hạn chế nhiều mặt nên so với nghề trồng lúa, nghề thêu có thời kỳ mờ nhạt người dân gọi nôm na là hai chân đi bằng nhau và vất vả chẳng kém gì. Chừng 15 năm trở lại đây, cơ chế thị trường khiến người thợ thêu Văn Lâm phải tự lo "chuyển mình". Trong làng nhiều tổ, nhóm sản xuất được thành lập, mỗi nơi chừng vài chục tay kim. Từ các mặt hàng thêu ren đủ màu sắc truyền thống, các cơ sở sản xuất hầu hết đã dần chuyển sang làm hàng thêu pha dua trắng chất lượng cao tạo nên những mẫu hàng mới đáp ứng yêu cầu và thị hiếu thời hiện đại. Giờ đây nói đến Văn Lâm, người tiêu dùng nghĩ ngay đến những sản phẩm với nhiều chủng loại phong phú, hấp dẫn thị trường trong và ngoài nước. Ðó là những tấm ga trải giường, mặt gối, bộ khăn ăn từ 6 đến 36 chiếc, mảnh rèm cửa, những chiếc áo ki-mô-nô...với những chi tiết thêu mượt mà, óng ánh như bạc điểm những phần dua mềm mại duyên dáng.

Hiện ở Văn Lâm có hơn 700 hộ trong số 830 hộ gia đình theo nghề thêu ren. Nghề còn gặp nhiều khó khăn đang phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường từ nguyên liệu, mẫu mã, nhân công đến bao tiêu sản phẩm nhưng cũng thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa, giữ thăng bằng cuộc sống khi ruộng đất chưa đủ một sào cấp cho mỗi đầu người ở làng quê nhỏ bé này.