Nghề tạc đá của người dân Phụng Châu (Hà Tây)

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Ở Hà Tây, ngoài những làng quê mang dấu ấn văn hóa, làng khoa bảng, còn có những làng mang đậm dấu ấn hoạt động kinh tế, trở thành những làng có nghề nổi tiếng như làng lụa Vạn Phúc, làng tằm tang Trinh Tiết, làng ren Hạ Mỗ, rèn Đa Sĩ, làng khảm Chuyên Mỹ... Vì thế, đất Hà Tây được gọi là đất trăm nghề.

Trong cả nghìn ngôi làng với hàng trăm nghề khác nhau, nhưng tựu chung, nghề của đất Hà Tây đều ít nhiều “tơ vương” với nghệ thuật. Ngay cả với nghề tạc đá - một nghề mà thoạt nghe người ta đã hình dung đến nỗi vất vả, nặng nhọc hệt như cái tên vốn có của nghề... Nhưng không! nghề tạc đá - làng nghề tạc đá duy nhất ở đất Hà Tây như có duyên nợ với nghệ thuật ngay từ thủa mới hình thành, bởi không chỉ tạo ra những đồ vật cầu kỳ, với đường nét hoa văn thanh thoát, tinh xảo mà người thợ còn phải biết “thổi hồn” cho đá như người họa sĩ thổi hồn vào tranh vẽ. Nhờ thế, người Hà Tây được coi là khéo tay, hay nghề.

Những năm 90 của thế kỷ XX trở về trước, nghề tạc đá tưởng như mai một trên đất Phụng Châu (Chương Mỹ)khi những người thợ tài khéo một thời đã lần lượt “về với trời cao”. Hơn thế, đám thanh niên trong xã không còn hứng thú với nghề. Tiếng là nghề “lạ”, nghề “độc” trên đất trăm nghề, nhưng nguy cơ lụi tàn vẫn luôn thường trực. Nay thì đã khác rồi. Nhiều người đàn ông ở xã đã bắt đầu đến với nghề bằng cả lòng đam mê và niềm kiêu hãnh.

Đến với làng nghề tạc đá duy nhất của tỉnh vào chiều cuối năm, chúng tôi ngỡ như vừa đặt chân vào công trường lớn. Ở đây, sắc xuân hiện rõ trên từng nét mặt người thợ - bởi năm nay đã là năm thứ 10 người thợ làng nghề tạc đá xã Phụng Châu hưởng niềm vui “làm không hết việc”. Mỗi người thợ trạm khắc đá mỹ nghệ ở đây đều tâm huyết với công việc để làm cho sản phẩm của mình trở thành hoàn hảo nhất. Chúng tôi như bị hút vào nhịp sống mới ở Phụng Châu; với những âm thanh nghe chát tai nhưng lại rất thân thuộc với những người thợ đá. Những người thợ mỹ nghệ với đôi tay chai sần do tác động của búa, đục đá ấy, đã không còn nghĩ đến chuyện bỏ quê đi làm thêm nơi xa nữa. Anh Nguyễn Xuân Quảng cảm thấy nhẹ nhõm khi sản phẩm của tổ thợ mình nhận khoán đã hoàn thành 1/2 công đoạn. Hai đôi voi phục của Đền Đô, 4 anh em nhận làm gia công cho xưởng của gia đình ông Củng đã được hai tháng, còn 1 tháng nữa mới xong, kể cả mài mịn nhưng sản phẩm đã có được hình dángvà thần thái theo đúng yêu cầu của khách hàng.

Câu chuyện nghề tạc đá của người dân thôn Long Châu Miếu, Long Châu San “nở rộ” bắt đầu từ ước muốn truyền lại bí quyết nghề tạc đá cho lớp trai trẻ của ông Nguyễn Văn Củng - một nghệ nhân của làng. Năm đó (1995), ông Củng đã bước vào tuổi 65, tuổi mà những bậc cao niên như ông có thể nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu. Thế nhưng, ngày ngày người dân trong làng vẫn thấy ông miệt mài đục, trạm… tạo ra các sản phẩm từ đá mà chẳng có ai đỡ đần.

Theo nghề cha truyền từ năm 10 tuổi, ông Củng hiểu rất rõ không thể để thất truyền bí quyết nghề của gia đình. Thế nhưng, thời thế đã thay đổi, lũ trẻ trong gia đình dù có yêu quý ông đến mấy cũng không thể ham cái nghề nặng nhọc ấy được. Đành rằng đó là nghề truyền thống, đem truyền cho con cháu thiên hạ ông Củng cũng xót xa lắm, nhưng biết làm sao, nếu không truyền nghề, ắt hẳn khi ông và các cụ cao niên trong làng về với tổ tông, Hà Tây sẽ mất đi một nghề quý.

Nói là làm, ông Củng và mấy thợ giỏi trong làng quyết tâm truyền, dạy nghề cho tất cả đám trai làng. Quả thật, trạm khắc đá mỹ nghệ cũng có thể được xem là một nghề còn mới mẻ ở Hà Tây. Ngay ở làng tạc đá xã Phụng Châu, nghề đã có truyền thống từ hàng trăm năm, mà nay cả xã mới chỉ có 10 hộ gia đình đứng ra lập xưởng sản xuất. Cái hay của người thợ đá là việc học nghề không phải tốn kinh phí, chỉ cần chịu khó xem những người đã làm trước để học hỏi và thực hành cho thành thạo. Người biết chỉ cho người chưa biết, người làm trước có kinh nghiệm chỉ cho người làm sau nên cũng vơi đi phần nào cái cực nhọc ban đầu.

Từ lòng say mê, nhiệt huyết của ông Củng, ba cậu con trai ông lần lượt quay trở lại với nghề. Nay thì gia đình ông đã có hai xưởng sản xuất đá mỹ nghệ lớn nhất xã, với 40 lao động, do hai con trai đầu làm chủ. Cậu thứ ba cũng vừa tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, chuyên lo việc thiết kế mẫu mã cho hai xưởng sản xuất gia đình.

Anh Nguyễn Văn Nhàn - thợ đá mỹ nghệ đã có 10 năm kinh nghiệm tâm sự: “Nghề tạc đá không thể giấu giếm được, bởi ngoài cách làm truyền thống, sản phẩm đá cần có hồn, mà điều đó còn tùy thuộc vào chính người làm, có học cũng chỉ học kinh nghiệm, làm sao cho tiết kiệm được nguyên liệu và làm sản phẩm đẹp hơn mà thôi”. Đây là một công việc mà nhiều người phải nể phục bởi sự kiên trì, khéo léo và một ít “máu nghệ nhân” tiềm ẩn trong tâm hồn của những người nông dân từng được xem là chân lấm tay bùn. Hiện nay phần lớn thợ mỹ nghệ ở Phụng Châu sản xuất theo đơn đặt hàng của các công trình trùng tu, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa, tâm linh…của ngành văn hóa. Vì thế, thợ đá ở đây đều say mê với nghề, cố gắng tạo tác thần thái cho mỗi sản phẩm, để mọi sản phẩm luôn mang trong mình hồn đá Phụng Châu. Tất cả các loại sản phẩm này, tùy theo đơn đặt hàng mà để nhám, mài nhẵn hoặc đánh bóng. Những người thợ có tay nghề cao làm trong xưởng sản xuất của gia đình ông Củng có thu nhập hơn 4 triệu đồng mỗi tháng, thợ bậc trung cũng có thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng.

Từ ngày ông Củng và những người thợ lành nghề trong xã quyết tâm truyền nghề, đa số lao động nam của địa phương đã tham gia làm việc tại các xưởng sản xuất đá mỹ nghệ trong xã vào những lúc nông nhàn. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Ái cũng như gia đình ông Củng, dù bố ông là thợ giỏi nghề thì cũng có một thời gian dài cả 8 người trong gia đình ông bỏ nghề, quay sang làm dịch vụ và sản xuất nông nghiệp. Nay tất cả đều đã nối nghiệp cha, quyết tâm theo đuổi nghề tạc đá, lập xưởng sản xuất tại xã. Ông Ái cho hay: “Nếu tay nghề cao càng có thu nhập khá. Đại gia đình tôi cả con ruột và con rể đều làm nghề tạc đá. Bây giờ, ai cũng là thợ lành nghề rồi, những người già như chúng tôi không còn lo mất nghề nữa ”.

Vui với người lao động địa phương có công ăn việc làm ổn định, Chủ tịch UBND xã Phụng Châu tâm đắc khi ngày càng có nhiều người chuyển sang học nghề trạm khắc đá mỹ nghệ. Theo ông: “Nghề tạc đá không gò bó thời gian mà quan trọng là người dân tự sắp xếp công việc. Ngoài số lao động trong lĩnh vực đá mỹ nghệ còn có một lượng lớn lao động vệ tinh trong xã tham gia sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ bán cho khách du lịch khi nông nhàn”. Mặc dù nguyên liệu cho các sản phẩm đá mỹ nghệ ở Phụng Châu đều phải mua tại Thanh Hóa, Đà Nẵng, nhưng không vì thế mà người dân ở đây nản nghề. Qua thời gian, nhờ sự tài khéo của người thợ, nghề đá Phụng Châu đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, người dân hai làng Long Châu Miếu, Long Châu San giờ làm không hết việc. Hiện nay xã đã có chủ trương vận động nhân dân mở rộng nghề ra phạm vi toàn xã. Tính toàn bộ lực lượng lao động địa phương làm tại 10 xưởng sản xuất cũng có hơn 100 người, đó là chưa kể có rất nhiều lao động ngoại tỉnh như: Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa… cũng về làm tại đây.

Nghề tạc đá đang cuốn hút nhiều thanh niên lao động chính ở Phụng Châu hướng về nó. Những âm thanh từ xưởng tạc đá nghe không còn “chát” tai mà như tiếng reo vui của những ngọn lửa của lòng yêu nghề truyền thống quê hương vừa được nhóm lên. Vâng, một ngọn lửa nghề đã được nhóm lên. Và nhân dân Phụng Châu đã và đang quen lại với nghề tạc đá bằng cả lòng đam mê và kiêu hãnh.