Nam Huỳnh Đạo là môn phái mới thành lập vừa tròn ba năm và đã tạo nên một "hiện tượng" trong làng võ cổ truyền TP.HCM. Nam Huỳnh Đạo đã thu hút cả ngàn người theo tập ở mọi lứa tuổi và nhiều tầng lớp xã hội.

Có thể bắt gặp hàng trăm võ sinh "nhí" ở độ tuổi còn khóc nghêu ngao trong vòng tay mẹ, lạ chưa khi đến võ đường rất hăng say tập luyện, lại còn biết xưng hô phân biệt "huynh đệ" với nhau. Có cả những môn đồ đã bước vào giai đoạn "tứ thập nhi bất hoặc" của cuộc đời.

Người sáng lập Nam Huỳnh Đạo lại là võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, năm nay 36 tuổi.

Trong làng võ anh quả còn quá trẻ. Nhưng trong "nghề" anh đủ độ già dặn và chín muồi. Lên năm tuổi anh đã được cho học võ. Một người thân của anh kể hiếm thấy có ai ham thích võ như anh. Một ngày suốt năm, sáu tiếng tập và luyện công cứ thế liên tục cho đến tận ngày hôm nay.

Cơ thể của anh cho thấy những "ấn chứng" võ công kỳ diệu của một người khổ luyện theo một con đường đúng đắn: lưng qui, cổ rắn, tay hạc... Nhìn vóc dáng đồ sộ của anh, một cao thủ đã vỗ vai nói đùa: "Tập võ mà để cho thân hình to lớn, dềnh dàng như vậy là chưa đi tới đỉnh". Thế nhưng khi cả hai vào cuộc so kình, với nội lực kinh người anh đã phát kình hất người bạn võ có khối lượng hơn 90kg này văng xa mấy thước.

Là hậu duệ đời thứ 7 của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Huỳnh Đức (tên thật là Huỳnh Tường Đức), Huỳnh Tuấn Kiệt được lựa chọn làm người kế thừa dòng võ Huỳnh gia vốn được lưu giữ nhiều đời trong tộc họ. Dòng họ Huỳnh nổi tiếng ở Long An không chỉ về sự giàu có mà còn về y võ và nho học.

Thân phụ của Kiệt là cụ Huỳnh Văn Khanh, người dịch bộ sách nổi tiếng Hoàng Hán y học của bác sĩ Thang Bản Cầu Chân (Nhật Bản). Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, người anh trai lớn trong nhà, có lần qua Trung Quốc đến "Đồng nhân đường Thái y viện" tại Bắc Kinh thấy bản dịch tiếng Việt của tác phẩm y học nói trên được trưng bày chung với nhiều bản dịch các thứ tiếng khác. Sự đóng góp của lương y Huỳnh Văn Khanh đối với ngành đông y được đánh giá rất cao.

Ông nội Huỳnh Văn Chánh ngày xưa ở quê nuôi nhiều người làm, trong đó có một số người Hoa giỏi võ. Cảm kích trước sự đối đãi, họ đã không ngần ngại đem tâm huyết và tinh hoa trao lại cho phái võ họ Huỳnh. Sự tiếp thu này đã dẫn đến sự dung hợp hai dòng võ.

Kế thừa và tiếp nối truyền thống, võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt đã tiếp thu tinh hoa của nhiều dòng võ khác như Nội gia Thiếu Lâm, Hồng gia La Phù Sơn... và chính thức khai môn võ phái Nam Huỳnh Đạo. Võ sư Lê Kim Hòa, phó chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN, đánh giá: "Mặc dù mới chính thức danh xưng nhưng trước đó Nam Huỳnh Đạo đã có nhiều đóng góp cho chương trình chung của võ thuật cổ truyền thành phố, đào tạo được nhiều võ sinh có trình độ võ thuật và đạo đức.