Dưới hình thức hóa trang làm thay đổi hình dáng người trình diễn, mặt đeo mặt nạ, hoặc khoác lốt thú, phụ trợ cho các đám rước kiệu, các trò múa sư tử, múa rồng... trong lễ hội, xuất hiện từ thời Lý ở Thăng Long.

Phổ biến là ông Thổ, ông Địa trong các đám rước sư tử đêm Trung thu. Hai diễn viên đeo mặt nạ tròn xoe to bằng cái mẹt, tạo hình đôi mắt liếc tình, nụ cười cợt nhạo, đôi má đỏ phính. Họ mặc áo dài, quần trắng, bụng độn phồng to như úp rổ, thắt lưng màu trễ dưới rốn, tay phe phẩy múa chiếc quạt giấy xòe rộng hoặc miếng quạt mo lớn. Họ lúc đi dọn đám, lúc vờn múa với sư tử.

Trong đám rước hội, ông Địa làm người dẹp đường đi trước. Hội làng Hải Bối, ông Địa cầm cần câu buộc cá bằng mo.

Đoàn ải Lao trong hội Gióng có múa đội lốt hổ dẫn đầu.

Trong hội làng Tầm Xá có múa đảo mặt nạ gọi là “ổi lỗi”. Có 13 mặt nạ mang hình tượng Mẹ và 6 con trai, 6 con gái.

Múa tứ linh phục vụ hát cửa đình do bốn người đóng lốt bốn con vật thiêng là long, ly, quy, phượng. Riêng rồng không thể một người múa được nên thay bằng con hạc. Mỗi con múa theo bài bản riêng nhưng phụ họa lẫn nhau thành một màn trò diễn đặc sắc.

ở làng Lệ Mật có tục múa Rắn kể lại sự tích chàng trai họ Hoàng đánh thủy quái, cứu xác công chúa nhà Lý.