Nền văn hóa Khmer Nam Bộ tiêu biểu là nghệ thuật múa, tuy chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Ðộ, nhưng mang đậm nét dân tộc và những sáng tạo độc đáo góp vào vườn hoa nghệ thuật "muôn hương ngàn sắc" của các dân tộc Việt Nam.

Congdongviet net -200330-172641.PNG

Múa Khmer xuất hiện rất sớm với loại hình sân khấu Rơbăm - loại kịch hát cổ điển, nhưng lấy nghệ thuật múa làm ngôn ngữ chủ đạo để diễn tả tâm trạng, tình huống, tuồng tích. Rơbăm phần lớn là những cốt chuyện mang truyền thuyết thần thoại cho nên múa càng có điều kiện phát huy một cách mạnh mẽ ở loại hình sân khấu này.

Ra đời muộn hơn là kịch hát Dukê. Nghệ thuật múa ở đây không còn giữ vai trò chủ đạo như Rơbăm nhưng đã bắt đầu phát triển chiều hướng diễn tả tâm trạng mang tính mô phỏng, rồi nâng lên với tính cách được ước lệ cao, như diễn tả những con thú: chim thần (Krud), chằn (Yeak), rắn thần (Naga), khỉ (Hanuman), rồng (Phuchông)... Ðộng tác được hệ thống, qui nạp mang tính khoa học, mực thước, như con khỉ có 12 động tác: cười, lạy, gãi, khóc, nhảy, âu yếm, đau khổ...

Kho tàng múa Khmer Nam Bộ hình thành hai hình thái rõ rệt, đó là hình thái múa cung đình và hình thái múa dân gian. Hình thái múa cung đình đã trở thành loại múa có bài bản, chuẩn mực, có hệ thống cơ bản, có trường dạy nghề hoặc có thầy chỉ giáo từ nhỏ (từ 6 - 7 tuổi).

Nghệ thuật múa cung đình đòi hỏi ở người diễn viên sự khổ luyện rất cao. Từ hình thể, tay, chân đến nụ cười ánh mắt đều phải tập theo những chuẩn mực cổ điển. Tất cả những chi tiết cụ thể là chuẩn mực cơ bản để đánh giá đẳng cấp của nghệ sỹ. Múa cung đình phần lớn là nữ, những nhân vật nam cũng chính là nữ đóng. Múa cung đình tuyến đơn giản, tiết tấu chậm rãi, khoan thai, sâu lắng, chủ yếu dùng hình tượng cơ thể để khắc họa tâm trạng như múa: chim thần (Krud), tiên (Kennâr), Apsara, dâng hoa... Còn có những loại múa lâu đời đậm màu sắc tôn giáo như múa lên đồng (arak), có những loại múa trong đám cưới (râmbơk bông, râm bơk phka sla, rambô kântel...). Từ những diễn tả tâm trạng bằng hình tượng cơ thể, dần dần những động tác múa được qui nạp chuẩn mực, quán xuyến như một đặc trưng đậm bản sắc.

Có thể nói múa cung đình Khmer Nam Bộ từ ngón tay cho đến gót chân đều có tiếng nói riêng.

Nếu như múa cung đình mực thước, trang trọng mang tính cổ kính bao nhiêu thì múa dân gian ngược lại bấy nhiêu, thoải mái, lạc quan, yêu đời và luôn có chất hóm hỉnh: Múa Sarikakeo, Râmvông, Saravan... là những điệu múa rất phổ biến, đã là người Khmer ai cũng biết múa, đặc biệt là thanh thiếu niên, họ múa trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, liên hoan, bất kỳ nơi đâu chỉ cần có tiếng kèn và nhịp trống nổi lên là ở đó có múa. Múa trống Xadam cũng là điệu múa dân gian có từ xa xưa.

Trong thực tế, thỉnh thoảng múa dân gian đã tiếp thu tinh hoa đặc sắc từ những động tác cung đình rồi biến hóa theo tiết tấu và hòa nhuyễn vào không khí của tác phẩm với nội dung phản ảnh cuộc sống, làm cho nó trở nên nhanh nhẹn, vui vẻ như múa "gáo", "xúc tép" (Saneng).

Hiện nay múa của tộc người Khmer Nam Bộ đã phát huy một cách mạnh mẽ, không chỉ về thể loại, số lượng mà cả chất lượng, không chỉ với những đề tài cổ thần thoại, truyền thuyết mà cả những đề tài ca ngợi cuộc sống hiện tại. Và nền nghệ thuật múa độc đáo ấy không dừng lại với những tác phẩm đơn lẻ mà gần đây đã xuất hiện kịch múa với những cốt truyện hấp dẫn đã được đánh giá cao (huy chương Vàng) trong hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.

Kho tàng múa tộc người Khmer Nam Bộ là vô tận, nó luôn có mặt bất cứ ở phum, sóc, làng, xã nào nó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long.