Quả mít chứa nhiều hàm lượng đường, có nhiệt lượng cao. Vỏ ngoài trái mít tua tủa gai ngắn. Trái mọc ngay trên thân cây, trên cành chính, đôi khi ngay cả trên rễ phần nổi lên khỏi mặt đất ở dưới gốc cây.

Congdongviet net -200330-180359.PNG

Múi mít khi chín màu vàng, vị ngọt, hương thơm đặc biệt. Mít không hạt được trồng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, trái rất sai và ngon. Đặc biệt, giống mít tố nữ là một loại mít trái nhỏ, khi chín màu vàng sẫm. Múi mít bám vào lõi chặt hơn vào vỏ nên khi mít chín cầm cuống rút ra có thể kéo theo toàn bộ các múi. Ngoài mít tố nữ, còn có khá nhiều loại mít khác mà nhiều người xếp vào hai nhóm: mít dai (mít khô) múi dày, vị ngọt đậm và giòn; mít mật (mít ướt) múi mềm, hơi nát vị ngọt mát.

Mít ăn trái, còn thân cây mít là một loại gỗ quý, dùng để tạc tượng, khắc dấu, khắc bản in, làm khuôn đóng xôi, oản... Hạt mít dùng để chế biến một số món ăn: hầm chân giò lợn, phơi khô giã bột làm bánh... Người xứ Nghệ còn sử dụng xơ mít muối dưa, dùng mít xanh làm món nhút (mít muối dưa để ăn sống hoặc xào mỡ) rất độc đáo và hấp dẫn.