Múa sư tử còn gọi múa lân có từ lâu đời, vốn là trò chơi của người lớn, sau mới mở rộng cho các em chơi dịp rằm trung thu. Hà Nội có nhiều phường múa sư tử nổi danh chuyên đi múa lấy giải, múa trong lễ hội...

Múa rồng cũng vậy, chỉ khác ở hình thức là phải do nhiều người trình diễn bởi con rồng dài tới 20 - 30m.

Đầu sư tử và đầu rồng, đuôi rồng đều bồi bằng giấy có khung nan tre néo giữ bên trong, ngoài vẽ sơn quang dầu tạo dáng dữ dằn của con thú. Hàm dưới sư tử có túm râu dài, gập lên, nhả xuống được để người múa nhìn qua đó điều khiển sư tử vờn cầu, phối hợp với người biểu diễn vũ thuật và chồng người lên cao giật giải. Sư tử có đuôi là dải vải điều do một người cầm vung vẩy chạy theo. Các đội múa sư tử của Vĩnh Tuy, Nguyên Xá, Nhật Tân, Phú Thượng, Thổ Quan, Hàng Buồm... có tiếng từ xưa.

Rồng mình dài vài chục mét bằng vải vàng hoặc xanh, đỏ có kỳ lửa trên lưng. Đầu, đuôi, thân chia ra nhiều đoạn, được gắn vào đầu một cọc tre dài để người diễn đưa lên xuống, tạt phải, trái, tạo khúc lượn, dễ dàng chuyển động vẫy vùng thoải mái. Chỉ huy múa rồng cầm “hòn ngọc” to bằng giỏ ấm để nhử rồng đớp.

Múa sư tử, múa rồng đều theo nhịp trống, thanh la thúc nhanh chậm, to nhỏ. Thường lệ có ông Địa đi theo vừa múa quạt đùa cợt, vừa dẹp đường. Hội làng Nhật Tân, Tứ Liên, Nguyên Xá... đều có múa rồng. Đặc biệt ở hội Đống Đa có múa rồng lửa diễn tả trận đánh hỏa công của vua Quang Trung.