Múa rối hầu như dân tộc nào cũng có, còn múa rối nước thì có lẽ chỉ có riêng ở Việt Nam. Nghệ thuật múa rối nước xuất hiện từ thời Lý (1009 - 1225).

Congdongviet net -200330-170325.PNG

Chứng tích về sự ra đời của rối nước còn lưu lại ở nhiều nơi, ví dụ như nhà Thuỷ Đình (hồ Long Trì - Chùa Thầy). Văn bia còn ghi lại "giữa dòng nước lung linh, một chú rùa vàng nổi lên đội ba hòn núi..." hay "chim có sừng họp nhau thành đội..."

Ngày trước, những người làm nghề múa rối thường tổ chức thành phường rối. Mỗi phường rối có khoảng bảy, tám chục người do một ông trùm đứng đầu để điều hành công việc. Trong một phường chỉ khoảng 20 người hoạt động nghệ thuật thực sự, số còn lại phục vụ cho phường hoạt động biểu diễn. Phường rối vừa là một tổ chức hoạt động nghệ thuật nghiệp dư, vừa là một tổ chức tương tế. Hàng năm, phường rối làm lễ tế tổ và nhận thêm người mới. Người mới được kết nạp mang trầu, rượu đến lễ tổ, trình phường thề giữ bí mật nhà nghề. Lệ không nhận phụ nữ vào phường, sợ khi lấy chồng xa mang theo bí truyền múa rối của phường.

Một vở rối nước thường có nhiều "nhân vật". Mỗi "nhân vật" (con rối) là một tác phẩm điêu khắc dân gian, mang dáng vẻ khác nhau, thể hiện tính cách cũng khác. Con rối được làm bằng gỗ, bên ngoài phủ sơn ta để chống thấm nước. Nhân vật tiêu biểu nhất của rối nước là chú tễu với thân hình tròn trĩnh và nụ cười hóm hỉnh lạc quan.

Congdongviet net -200330-170315.PNG

Vùng đồng bằng Bắc bộ có nhiều ao, hồ đã trở thành những sân khấu múa rối nước vô cùng sinh động. Bờ ao, hồ là nơi khán giả quây quần xem biểu diễn vào những ngày hội hè, đình đám. Buổi diễn bắt đầu là chú tễu ra giới thiệu. Với bộ mặt nghịch ngợm, trang phục ngộ nghĩnh, hai tay chỉ trỏ, miệng hát lời "dọn đám" chú tễu mang lại tràng cười sảng khoái ngay từ phút đầu. Nghệ nhân khi biểu diễn phải ngâm mình dưới nước để điều khiển con rối thông qua máy sào, máy dây. Nhạc đệm cho cuộc diễn là bộ gõ gồm trống, mõ, thanh la...

Kho tàng các vở rối nước rất lớn và ngày càng được bổ sung nhiều vở diễn mới có nội dung thích hợp với cuộc sống đương đại và sở thích của khán giả. Nghệ thuật rối nước Việt Nam là một loại hình sân khấu cổ truyền độc đáo được ưa chuộng ở trong nước và từng biểu diễn ở nhiều quốc gia.