Múa đánh bồng

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Còn gọi “múa bồng” hay “con đĩ đánh bồng” trò diễn thường có trong các đám rước ở hội làng. “Bồng” là một thứ trống cơm, nhỏ hơn, tang trống khoét nguyên từ một khúc gỗ dài khoảng 2 - 3 gang tay, bịt hai mặt da đường kính hơn gang tay, rút căng hay để trùng mặt da là do độ kéo của các dây chằng néo giữa hai mặt trống với nhau qua tang, tạo nên âm sắc khác nhau. Còn từ “con đĩ” ở đây không mang ý xấu, chỉ có nghĩa “mẹ đĩ” là người đàn bà mà thôi.

Người đánh bồng là nam đóng giả nữ, áo tứ thân, khăn vấn mỏ quạ, quàng qua vai và ngang lưng những dải lụa màu, trống bồng treo trước bụng, lại cắm sau lưng bốn lá cờ đuôi nheo bay lất phất, vừa đi vừa múa theo dàn bát âm cử bài Lưu thủy. Hai bàn tay vỗ vào mặt trống, ở giữa thì tạo ra âm bình, ở cạnh ra âm cộc, vừa gõ ngón tay vừa bịt mặt da phát ra âm láp, lại có lúc búng vào mặt trống thành tiếng trong, tiếng đục rất vui tai. Dáng điệu múa lại duyên dáng, mềm mại, uốn lượn trước dàn nhạc, dọn đường cho đám rước như ở hội Đồng Nhân. Có nơi không cải trang nữ, nam mặc áo the, quần trắng, khăn lượt, thắt bao lưng màu, đeo trống bồng. Đặc biệt nghệ thuật cao là đôi múa bồng trong hội Triều Khúc (Thanh Trì). Hai người múa đối xứng, kết hợp động tác chân với tay, đội hình luôn thay đổi theo hướng ngược chiều nhau, nhịp theo trống chiêng dồn dập.