Múa Đồng

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Múa của các ông đồng, bà đồng trong hầu bóng. Kết hợp với nhạc và hát trong khi hầu thể hiện sự tái sinh (nhập hồn) của các vị thánh nhập vào thân xác của các ông đồng, bà đồng; tạo nên trạng thái phấn khích, ngây ngất để người có thể hợp thể và hoà đồng với thần linh. Trong hầu bóng chỉ trừ ba giá hầu các mẫu là không có múa, còn hầu hết giá hầu nào cũng có múa.

Tùy theo vị trí và tính cách của từng vị thánh mà có những động tác múa khác nhau, như giá hàng quan thường múa kiếm, long đao, kích; giá hàng các chầu bà thì múa quạt, múa mồi, múa tay không; các giá ông hoàng có múa cung, múa khăn, múa tay không; giá hàng các cô có múa quạt, múa hoa, chèo đò, múa thêu thùa, múa tay không; giá hàng các cậu thường múa hèo, múa lân; giá ngũ hổ, ông lốt (rắn) thường có động tác múa bắt chước động tác của hổ, rắn. Múa đồng tiếp thu nhiều điệu múa dân gian (múa mồi, múa quạt, chèo đò, múa kiếm...) có cách điệu hóa để phù hợp với tính chất sân khấu tâm linh. Ở Huế, khi hầu bóng thường nhiều người cùng múa một lúc.