Vào ngày mồng 7 tháng 1 âm lịch hàng năm, người dân Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) lại tổ chức lễ hội chạy lợn thờ độc đáo. Theo người dân trong vùng thì lễ hội bắt nguồn từ thời vua Hùng thứ 18 và ngày nay lễ hội được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa dự án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Chuẩn bị lợn bắt đầu cuộc thi

Chuyện làng kể lại rằng vào thời vua Hùng thứ 18 có hai vị tướng thống lĩnh thủy quân khi hành quân qua vùng Duyên Yết được các vị bô lão trong làng mở tiệc khao quân. Hai vị tướng bằng lòng nhưng phải làm sao thật nhanh để binh sĩ kịp hành quân đuổi giặc. Kể từ ngày đó, cứ đến đúng ngày đãi quân năm xưa dân làng lại mở hội chạy lợn để nhớ về một truyền thống có ý nghĩa về tình quân dân khắng khích thời xa xưa. Và ý nghĩa của từ "chạy lợn" ở đây có nghĩa là mổ lợn thật nhanh và làm cỗ thật nhanh.

Bắt đầu bằng công đoạn cắt tiết

Những con lợn ngày hôm nay được mổ trong ngày hội phải được người dân nuôi hết sức cẩn thận trước đó. Trước ngày hội khoảng 10 ngày, lợn được cho ăn cháo gạo nếp, tắm rửa bằng nước thơm sạch sẽ mỗi ngày. Thịt lợn thì ở chỗ nào chẳng giống nhau nhưng cái cách làm thịt lợn ở lễ hội này thì rất độc đáo. Các thanh niên phải hoàn thành công việc phức tạp từ cắt tiết đến mổ trong thời gian từ 2 phút đến 3 phút. Sau đó bày mâm cỗ cúng chỉ lấy phần thủ lợn và các bộ phận khác như miếng tề vai, tề mông, quả tim, miếng mỡ chài bao quanh dạ dày phủ lên thủ lợn, một quả thận và tiết lợn đông. Và nhất là mọi việc phải đạt tiêu chuẩn Nhanh (Thời gian), Tinh (sạch sẽ, kĩ lưỡng, kích cỡ theo quy định)... và phần thân con lợn sau khi giết mổ phải gần như nguyên vẹn, những vết mổ moi để lấy ngũ tạng phải kín đáo.

Bày mâm cúng thần

Các vị bô lão trong làng đóng vai trò giám khảo, kiểm tra con lợn rất kỹ sau khi giết mổ. Con nào bị thủng ruột và mổ phanh ra lấy lục phủ ngũ tạng đều không được chấm điểm. Sau khi chấm điểm mâm cỗ sẽ được mang vào đình tế thánh, phần còn lại dành liên hoan giữa các thôn