Phò Trạch là một làng cổ hình thành từ giữa thế kỷ XV, nay thuộc xã Phong Bình, huyện Phong Điền, cách Huế khoảng trên 30km về phía Tây Bắc. Địa hình nơi đây, ngoài đồng lúa còn có những vùng đất trũng mọc đầy cây cỏ năn, cỏ bàng, là loại cỏ thân ống, mọc cao có thể lấy về phơi phong, làm thành sợi để đan đệm. Đó là loại nghề phụ gắn liền với cư dân làng này, nên tên làng được gọi là làng Phò Trạch đệm.

Suốt thời chúa Nguyễn đến triều Nguyễn, nông dân làng này đã tranh thủ lúc nông nhàn, sử dụng lao động phụ như đàn bà, trẻ em để đan lát. Loại hình sản phẩm quen thuộc là chiếc đệm để trải giường, lót nôi trẻ con và làm giỏ xách đựng hàng hóa, được bán khắp các chợ ở Thừa Thiên Huế.

Loại hình sản phẩm đơn điệu, ít thích hợp với xã hội ngày nay, vì thế không còn phát triển như xưa. Hiện nay chỉ còn rải rác một ít nhà tiếp tục làm nghề.

Từ thế kỷ XIX, nhà thơ Đặng Huy Trứ đã mô tả chiếu đệm làng Phò Trạch với những lời thơ trân trọng, đánh giá:

Thôn xã điền tang nhật dữ thân

Đảm duy Phò Trạch tối triêm tân

Hoàn bồ, hữu ý tứ dân dụng

Sáng tháp tương y quán thế trần (…)

(Nghề làm ruộng, trồng dâu ở nhà quê ngày càng thân thiết. Chỉ có chiếu đệm làng Phò Trạch là khéo mới

Cây cỏ năn, cỏ lác mà có ý thức chế biến cũng đủ dùng cho dân.

Giường, phản nhờ đó mà coi thường bụi bặm)

Dịch thơ: Nông trang thôn dã trở nên gần,

Đệm làng Phò Trạch khéo và xinh

Cỏ năn, cỏ lác giúp dân dụng

Giường phản quản chi lấm bụi trần.

Thực hiện chủ trương khôi phục các ngành nghề truyền thống, địa phương tổ chức cho bà con dân làng học tập kiểu đan lát miền Bắc, mở rộng loại hình sản phẩm, như mũ đệm, tấm đệm ngồi…đáp ứng nhu cầu mới của xã hội và duy trì thu nhập kinh tế phụ gia đình của người dân.