Làng rèn Trung Lương nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh, thuộc thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đến nay chưa ai xác định được nghề rèn ở đây có tự bao giờ, chỉ biết rằng nó đã tồn tại trên mảnh đất Trung Lương này từ rất lâu rồi. Nghệ nhân rèn Trung Lương đi truyền nghề khắp trong Nam, ngoài Bắc. Sản phẩm rèn Trung Lương được người dân trong nước và thế giới rất ưa chuộng. Trong cơ chế thị trường hôm nay, trước sự cạnh tranh gay gắt, nghề rèn Trung Lương vẫn không ngừng phát triển, để chuẩn bị bước vào hội nhập.

Truyền thuyết về làng nghề Trung Lương

Tương truyền tổ sư nghề rèn ở đây là ông Đùng. Ông ở trên núi Hồng Lĩnh, thấy dân không có dụng cụ sản xuất, bèn bới đất lấy sắt, nhổ cây rừng đốt thành than rèn các dụng cụ lao động phát cho mọi nhà. Từ đó nhiều người trong vùng đến xin học nghề. Ông vui vẻ truyền nghề lại cho dân làng. Những người học được nghề đầu tiên đã lập nên làng rèn Trung Lương. Về sau dân làng nhớ công đức của ông đã đúc tượng lập đền thờ tại Rú Tiên, nằm ngay giữa làng và gọi là đền thờ ông Thánh Thợ.

Cũng có một cách giải thích khác về sự hình thành của làng nghề qua lời kể của nhũng người dân Trung Lương. Truyện kể rằng, ngày xưa có hai anh em thợ rèn người họ Trương đến đây lập nghiệp. Ít lâu sau, người anh Trương Như ở lại truyền nghề cho dân làng Trung Lương. Người em vào tận Cố đô Huế lập nên làng rèn Hiền Lương. Để đền đáp công lao to lớn của người đã dạy nghề cho dân làng, nên trong đền làng Trung Lương xây vào năm 1880 có hai câu đối nhắc đến anh em “Trung-Hiền”:

Trung Hiền tịnh tiến tương tiên hậu

Lương thiện thành phong tự cổ kim

Dịch là:

Trước sau Trung Hiền đều sánh bước

Xưa nay lương thiện đã thành lề

Thợ rèn Trung Lương thời nào cũng tài hoa. Khi quốc gia hữu sự, họ đem tay nghề của mình giúp nước, cứu dân. Thời Cần Vương, thầy trò cố Đường đã tình nguyện đem lò bệ của mình lên đại ngàn rèn đao, kiếm cho nghĩa quân cụ Phan Đình Phùng. Cố Đường cùng với ông Cao Thắng chế thành công súng cho nghĩa quân. Trong kháng chiến chống Pháp, thợ rèn Trung Lương đã rèn hàng vạn mã tấu, kiếm, dao găm, sản xuất hơn 2.000 khẩu súng kíp, hàng chục tấn lựu đạn phục vụ dân quân, bộ đội.

Làng rèn đi lên trong cơ chế thị trường

Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt hôm nay, rất nhiều làng nghề đã lao đao, một số nghề truyền thống phải bỏ. Nhưng nghề rèn Trung Lương vẫn vững vàng đi lên, bởi mỗi người thợ ở đây họ luôn lấy chất lượng sản phẩm là điều quan trọng nhất, để giữ lấy thương hiệu cho gia đình mình cũng như cho cả làng. Hiện nay toàn xã có gần 350 lò rèn, 3 lò đúc, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.500 lao động. Đó là chưa tính đến những người làm nghề phục vụ cho nghề rèn và tiêu thụ sản phẩm rèn. Hiện tại hơn 60% gia đình ở Trung Lương liên quan đến nghề rèn. Mỗi năm xã thu về từ nghề rèn hơn 20 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng số thu nhập của toàn xã. Sản phẩm rèn của Trung Lương được người tiêu dùng khắp cả nước biết đến.

Ông Kiều Nhật một nghệ nhân nổi tiếng rèn dụng cụ làm đồ mộc cho biết: Nghề rèn ở đây chưa ai soạn thành sách để truyền lại cho thế hệ sau, mỗi gia đình chỉ có kinh nghiệm đúc rút ra được truyền lại cho con cháu. Kinh nghiệm của tôi để có một sản phẩm tốt, quan trọng nhất là công đoạn chẻ sắt bỏ thép vào, cho qua lửa, khi sắt và thép chảy thành nước dùng búa đập dính lại. Cái khó nhất, cũng là bí quyết người thợ, nhìn qua độ hồng của sắt và thép trên ngọn lửa, biết vừa hay chưa. Ở đây chỉ xác định bằng mắt và cảm giác, chưa máy móc nào thay thể được. Chỉ cần non, già một chút là sản phẩm không tốt. Cái khó nữa mỗi loại thép có độ hồng khác nhau. Người thợ xác định như thế nào là vừa đòi hỏi phải có con mắt tinh tường, hay nói cách khác, có năng khiếu về nghề nghiệp. Bí quyết thứ hai, là nước tôi. Nước tôi là khi sản phẩm cho qua lửa lần cuối rồi nhúng vào nước lã. Tôi già hay non một chút dụng cụ cũng không tốt. Tôi như thế nào cho vừa là do con mắt của người thợ.

Ông Lê Đức Khanh thì tâm sự: Ông tổ cách đây 4 đời của nhà tôi đem trầu rượu đến xin học nghề với những người thợ giỏi nhất trong làng. Đến nay gia đình mới rút ra được bí quyết, muốn có sản phẩm tốt, phải thành thạo việc chọn sắt, chọn thép. Trước đây, cha ông thường dùng than gỗ lim, nay phải dùng than kíp lê loại 1 mới đủ nhiệt độ đốt cho sắt và thép chảy thành nước để tạo hình. Có như thế, lượng các-bon trong thép mới không mất đi. Dụng cụ không sắc là do lượng các-bon trong thép tiêu hao qua nhiệt. Chưa có một nhà khoa học nào giúp Trung Lương chúng tôi về vấn đề này. Chúng tôi chỉ biết làm theo cha ông đã chỉ bảo và thực tế mình đã rút ra.

Còn anh Bùi Tân, là một người còn khá trẻ nhung đã là một thợ rèn giỏi trong làng cho biết: Đã là còn trai Trung Lương, ai cũng biết rèn. Nhưng để học được nghề thì quả thật là khó. Tôi chú ý lắm mới học được nghề cha ông để lại. Khi học được nghề, rồi thêm phần sáng tạo của mình nữa là thành công. Vì sao dao tôi tốt hơn nhiều người khác là do tôi luyện thép và sắt nhiệt độ chảy đồng đều.

Người dân Trung Lương bảo: “Nghề rèn là nghề xóa đói giảm nghèo” quả thực không sai. Xã Trung Lương là địa phương ngói hóa nhà ở đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh, hầu hết các gia đình đểu có ti vi, gần 50% hộ gia đình có xe máy. Số hộ có mức sống khá và giàu chiếm hơn 85%, trong xã không còn hộ đói.

Về với Trung Lương hôm nay, chắc hẳn bạn sẽ thấy rất vui bởi từ cán bộ địa phương đến từng người làm nghề đều có ý thức vươn lên để hàng của mình cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, đồng thời cũng là để bảo lưu nghề truyền thống mà ông cha đã để lại. Trung Lương trở thành một điểm sáng phát triển kinh tế bên Núi Hồng-Sông Lam nghìn năm tươi đẹp.