Làng Đa Sỹ thị xã Hà Đông có nghề rèn truyền thống đã hình thành và phát triển hàng trăm năm nay cùng với làng Vũ Ngoại huyện Ứng Hoà. Trước năm 1996, cả làng chỉ có hơn 300 lò rèn, làm ra hơn 2 triệu sản phẩm một năm.

Đến năm 2000, số lò rèn trong thôn đã phát triển lên đến 500 lò. Đa số các lò đã đưa máy móc vào sản xuất, nâng sản phẩm lên trên 6 triệu một năm. Sản phẩm của làng chủ yếu là dao kéo...Nói đến làng Đa Sỹ không thể nhắc tới chiếc kéo phục vụ trong may mặc- một sản phẩm có chất lượng cao được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm được tiêu thụ trên khắp đất nước và một phần được xuất khẩu. Nhờ vậy đời sống nhân dân được cải thiện, nhân dân càng gắn bó với nghề rèn truyền thống.

Làng Đa Sỹ (xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đông, Hà Tây) tự hào rằng: "Từ mũi Cà Mau tới địa đầu Móng Cái đâu đâu cũng có dao, kéo của làng. Tiếng lành đồn xa, người Lào, người Campuchia cũng tìm về tận Đa Sỹ để mua hàng". Cũng bởi vậy, hàng trăm năm nay, trong làng không lúc nào ngớt tiếng đe, tiếng búa, tiếng xe...

Thời gian này, làng rèn Đa Sỹ đang rậm rịch chuẩn bị cho ngày giỗ ông tổ làng nghề (27-3). Cờ, hoa đã được treo phấp phới ngay từ cổng làng. Bà Nguyễn Thị Tìm - Chủ tịch Hội ND xã khoe ngay: "Hiệp hội làng nghề đang phối hợp với Sở Du lịch Hà Tây để mở tour du lịch làng nghề. Năm nay giỗ tổ chắc lớn lắm. Các tay thợ cả đang gấp rút tập dượt để đua tài".

Cả làng tham gia Hiệp hội

Dù không quy định nhưng từ nhiều năm nay, người làng Đa Sỹ thường làm việc theo giờ... hành chính. Sáng, hơn 7 giờ các tay búa, tay bễ mới bắt đầu quai. Từ 5 giờ chiều, cả làng không còn tiếng đập, tiếng chát. Ông Hoàng Văn Lâu - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề cho hay: "Bà con còn tránh tiếng ồn, ảnh hưởng tới hàng xóm vào những lúc nghỉ ngơi". Trong giờ làm việc, cả làng như một đại công xưởng. Hầu như nhà nào cũng làm rèn. Sản phẩm chủ yếu nhất vẫn là dao và kéo. Một số hộ còn mở rộng làm các mặt hàng khác như sắt mỹ nghệ, cầu thang, cửa xếp nhưng không nhiều. Ông Lâu cho hay: "Chỉ làm dao, làm kéo đã không hết việc. Sản phẩm làm ra chừng nào hết chừng ấy. Cuối giờ chiều, các "cánh nhà buôn" đi từng hộ để thu gom".

Theo lời ông Lâu, trước đây dân làng quy định không được truyền nghề cho người ngoài. Nhưng nay, công việc nhiều, người ta phải thuê thêm thợ từ các nơi khác về. Để sản phẩm đạt chất lượng, họ buộc phải truyền bí quyết cho người lạ. Nhà nhiều nhất thuê 4 - 5 lao động thường xuyên. Những đợt cao điểm giáp Tết, họ thuê đến hàng chục lao động. Gia đình ông Lâu có 2 lao động chính làm nghề rèn là vợ chồng anh con trai cả. Vợ chồng ông Lâu tuổi đã cao (cả hai ông bà đều ngoài 70) phụ trách "công tác" cố vấn và giao dịch với khách hàng. Mỗi ngày, gia đình ông làm được từ 80 - 120 dao con các loại. Giá bán buôn cho thương lái 2.000 đồng/con, trừ chi phí ông lãi 120 nghìn đồng.

Làng Đa Sỹ hiện có tới gần 90% số hộ theo đuổi nghề rèn. Số còn lại không trực tiếp sản xuất nhưng đứng ra tổ chức các dịch vụ phục vụ nghề như mở dịch vụ thu gom hàng, cung cấp than, sắt nguyên liệu. Bà Nguyễn Thị Tìm - Chủ tịch Hội ND xã cho biết: "Hầu như cả làng tham gia Hiệp hội nghề rèn. Quy định bắt buộc đối với các thành viên là không được làm hàng dối, hàng kém chất lượng. Bù lại, các sản phẩm của họ sẽ được hiệp hội giúp quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và giúp tiêu thụ khi cần thiết. Hộ nào khó khăn, thiếu vốn sản xuất sẽ được hiệp hội đứng ra bảo lãnh để được vay vốn phát triển sản xuất".

Mở website giới thiệu sản phẩm

Ông Lương Công Đoán - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề cho hay: Để hội nhập với cơ chế thị trường, làng nghề cũng có những thay đổi cơ bản. Hiệp hội đã đưa các sản phẩm của làng đi giới thiệu tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, người dân trong làng cũng tự "vận động" đi tìm các mối tiêu thụ hàng ở trong nam, ngoài bắc và xuất tiểu ngạch sang Lào, Campuchia. Ngay trong hiệp hội đã hình thành những đầu mối thu gom hàng giao cho đại lý tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) và xuất vào thành phố Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi tháng, các đầu mối xuất vào miền nam từ 3 - 5 xe tải hàng. "Hiện, chúng tôi đã cố gắng xây dựng thương hiệu và lập website giới thiệu sản phẩm của làng" - ông Đoán cho hay.

Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ đã bình chọn và làm hồ sơ gửi Hiệp hội Văn nghệ dân gian công nhận sáu nghệ nhân nghề rèn. Ông Hoàng Văn Lâu - một trong những nghệ nhân cao tuổi cho hay: "Không cầm được búa, được đe nhưng chúng tôi cố gắng truyền lại cho con cháu những bí kíp của làng nghề, hướng dẫn chúng không vì đồng tiền, vì lợi nhuận mà vi phạm những điều cấm của làng".

Hiện, UBND xã Kiến Hưng đang quy hoạch một khu vực rộng 15ha để chuyển "công xưởng" của các hộ gia đình ra đó làm tập trung. Ông Trịnh Văn Bình - Trưởng thôn Đa Sỹ cho hay: "Mục tiêu của chúng tôi là gắn sản xuất của làng nghề với phát triển du lịch. Chúng tôi đã liên hệ với Sở Du lịch, Sở Công nghiệp mở tour du lịch làng nghề, vừa để giới thiệu, quảng bá sản phẩm vừa đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, để nâng cao đời sống cho nhân dân

Số làng rèn được công nhận là 01 làng: