Theo dân làng tương truyền thì nghề làm lược sừng của Thụy Ứng đã có cách đây gần bốn trăm năm. Sau khi được "ông tổ" của nghề đi học từ xa về truyền cho, dân làng cứ thế đời này qua đời khác hành nghề và phát triển. Lúc đầu, chiếc lược có hình vuông, sau cải tiến thành hình cong như múi bưởi. Nguyên liệu làm lược cũng vậy, đầu tiên bằng gỗ bưởi, sau chuyển sang làm bằng sừng vì làm bằng sừng, chiếc lược chẳng những đẹp hơn mà còn có độ bền lâu. Những chiếc lược sừng của Thụy Ứng từ thời đó đã trở thành một món hàng được nhiều nơi ưa chuộng. Trong làng, nhiều người đã kiếm sống bằng việc làm lược. Chính vì vậy, những người thợ lược cũng cố gắng để cho ra đời những chiếc lược ngày một đẹp hơn, nhiều tác dụng hơn. Lược xưa chỉ có một loại răng đều nhau, sau có cả loại lược răng mau, răng thưa. Hình của chiếc lược cũng đa dạng hơn. Còn nhớ, liên tục trong hàng mấy chục năm của thập kỷ 50, 60, 70 của thế kỷ 20, chúng ta đã làm quen với chiếc lược sừng đen, chiếc lược bí sừng màu ngà vàng. Có thể nói, Thụy Ứng gần như là nơi chính cung cấp lược chải đầu cho hầu hết dân ở các tỉnh miền Bắc. Tới khinhững chiếc lược nhựa giá rẻ hơn lại được làm với hình dáng và màu sắc phong phú ra đời đã khiến cho những chiếc lược sừng Thụy Ứng không còn chỗ đứng. Người dân Thụy Ứng phải chuyến sang thuộc da trâu, bò kiếm sống. Lẽ nào lại để một nghề cổ như vậy thất truyền, nhiều người thợ Thụy Ứng đã vừa lao vào thị trường tìm lối ra cho những chiếc lược truyền thống, vừa mày mò cải tiến cách làm cũng như mẫu mã để có những chiếc lược đẹp hơn, giá cả vừa phải. Và quả là trời không phụ lòng người, những chiếc lược Thụy Ứng đã chinh phục được bạn hàng Trung Quốc, những người thợ Thụy Ứng lại có đất dụng võ, làng nghề sống lại.

Không chỉ dừng ở nghề làm lược, nhiều người thợ Thụy Ứng bằng sự tìm tòi, sáng tạo kết hợp với sự khéo léo của đôi tay đã cho ra đời nhiều sản phẩm mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao. Trông cái lược sừng đơn giản là vậy mà để làm ra nó phải qua tới trên ba mươi công đoạn từ khi mua sừng về cắt thành ống, hơ ép, réo thành khuôn... rồi mới cắt răng, chà lát, đánh bóng. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay, tinh mắt. Làm lược đã vậy, làm các mặt hàng mỹ nghệ còn khó hơn nhiều. Làm sừng rất khó bởi “không chiếc nào giống chiếc nào” và người thợ phải tùy theo từng chiếc sừng mà hơ, ép, pha, cắt; sừng trâu non uốn khỏi tay lại vênh, có cái sừng phải uốn tới cả chục lần, nhưng khó nhất vẫn là lúc tạo dáng. Làm hàng xuất khẩu bây giờ, người ta đều dựng mẫu bằng máy vi tính nên phải có trí tưởng tượng phong phú thì mới làm được. Có những người khách đến đây chỉ để đặt làm một sản phẩm đơn chiếc như chiếc khóa thắt lưng, khẩu súng... đều được đáp ứng bởi người thợ nghĩ rằng mình phải làm để họ biết về người thợ Việt.

Làng Thụy Ứng bây giờ ngoài những lớp thợ cha ông, những thợ trẻ yêu nghề không phải là hiếm. Gặp những người thợ trẻ, nghe họ nói về mỗi sản phẩm của mình, về những chuyến hàng sẽ được đóng lên ô tô nay mai để rồi chúng sẽ chu du sang các nước bạn, chúng ta không khỏi vui mừng vì nghề cổ của Thụy Ứng chẳng những đã sống lại mà còn ngày một phát triển cùng với sự đi lên của đất nước bởi chính những người thợ ở đây đã làm chúng thăng hoa.