Thôn Tiền Phong (xã Trát Cầu, huyện Thường Tín) là làng nghề thuộc đất trăm nghề Hà Tây. Dọc theo quốc lộ 1 tới cây số 18, qua ga Thường Tín rẽ phải, vượt qua cầu Chiếc, đi một thôi đường nữa là tới làng. <u1:p></u1:p>

Trát Cầu nằm bên bờ sông Nhuệ, là làng quê trù phú, sung túc vì có nghề phụ truyền thống, quanh năm không hết việc. Trát Cầu chuyên làm mặt hàng chăn, gối, đệm bằng bông thiên nhiên, bông gạo, bông gòn. Nhà nào cũng biết nghề. Khắp làng rộn ràng tiếng máy cào, làm ra những tựa bông dài nõn nà, trắng xốp như hoa tuyết. Làm ra một chiếc chăn bông loại tốt phải mất khá nhiều sức lực, phải qua 20 công đoạn mới thành được một tấm chăm đắp cho bạn trong mùa đông giá buốt. Ðầu tiên, người ta dùng máy thủ công để tách hạt và hoa bông, sau đó dùng dây cung để bật cho những sợi bông tơi thành những tựa bông dài. Lại dùng cung lải cho mặt chăn trải dài, rộng hẹp theo cữ chăn, nhưng phải làm quá mỗi chiều 20 phân để gấp bìa. Lải xong lại phải teng mặt cho lớp lông tơ bên trên thật mịn và xốp. Công đoạn dùng sợi để mạng thành 4 cấp mới là công việc đòi hỏi khéo tay và kĩ thuật cao. Chỉ cần những hạt sợi mảnh mà không cần vải xô trần. Sau khi hoàn thành công đoạn này phải dùng bàn xoa bằng gỗ da du có mặt hơi gai để ngọn bông quyện với sợi mạng. Mặt sau mền bông cũng phải lải, gấp bìa, mạng sợi, xoa...rồi mới lồng vải hoa hoặc satanh màu mỏng để làm vỏ. Cuối cùng là chần chăn theo lối quả trám hoặc theo các họa tiết trang trí. Một chiếc chăn bông làm đúng các quy trình truyền thống, bạn có thể dùng vài chục năm mới phải bật lại. <u1:p></u1:p>