Mã Châu con gái mỹ miều

Sớm mai dệt lụa, buổi chiều ươm tơ

Lần theo câu ca dao cổ, chúng ta cùng đến thăm làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa Mã Châu, thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, tỉnh Quảng Nam. Dưới bóng cây đa nghìn tuổi còn hiện diện mái đình Mã Châu cổ kính là nơi thờ cúng vị tổ nghề dệt của làng.

Theo lời kể của người dân Mã Châu thì từ thế kỷ 16-18, những bậc tiền nhân khai khẩn đã sớm nhận ra đất xứ Quảng rất phù hợp với nghề trồng dâu, nuôi tằm và làng dệt lụa Mã Châu đã được lập nên từ đó. Trải qua bao biến động của thời cuộc, thăng trầm của lịch sử, nghề dệt vẫn được truyền lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, người thợ Mã Châu đã dệt nên những tấm vải xi-ta, may quân trang cho bộ đội. Tuy nhiên, chiến tranh cũng làm cho người dân phải lang bạt khắp nơi, nghề dệt truyền thống của làng bị đình đốn.

Sau ngày miền giải phóng, đất Châu Hiệp lại bạt ngàn xanh tốt những nương dâu, tiếng thoi dệt vải rộn ràng lách cách vang lên. Nhưng khi phải đối mặt với cơn bão của nền kinh tế thị trường, nghề dệt Mã Châu có lúc đứng trước nguy cơ bị tàn lụi. Song nhờ lòng yêu nghề của người dân, sự quan tâm của chính quyền, làng dệt Mã Châu đã không bị mất đi mà trái lại ngày càng phát triển. Nếu như trước đây, cả làng chỉ có 100 khung cửi gỗ thô sơ đạp bằng chân chuyên sản xuất vải màn, băng y tế thì nay đã có 2.900 máy dệt các loại, trong đó có 500 chiếc bán tự động. Làng đã sản xuất được những mặt hàng vải cô-tông, ka-tê có chất lượng cao. Gần 500 trong số hơn 600 hộ dân ở thôn gắn bó với nghề truyền thống này.

Đến thăm Hợp tác xã Nam Phước, bạn sẽ được chứng kiến hình ảnh thanh bình của làng quê Mã Châu, đó là những cô gái Mã Châu duyên dáng cần mẫn dệt vải. Những tấm lụa Mã Châu được đưa đi tiêu thụ ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, xuất khẩu sang Thái Lan và một số nước khác trên thế giới. Hằng năm, làng dệt được 17 triệu-20 triệu mét vải các loại, tiêu tụ trong nước và xuất khẩu được khoảng 80 tỷ đồng, thu nhập của người lao động từ 700.000đồng đến 1 triệu đồng/tháng.

Với vị trí giao thông thuận lợi, nằm trên con đường kết nối hai di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn, Mã Châu sẽ là điểm đến hấp dẫn trong lộ trình du lịch của du kháchtrong và ngoài nước. Đây chính là cơ hội để người dân làng nghề Mã Châu tự giới thiệu với du khách bốn phương về thương hiệu vải lụa có hàng trăm năm tuổi của quê hương mình.