Cùng với lễ hội kì yên đình thần và kì yên miễu Bà, Bến Tre còn có lễ hội ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống tâm linh của cư dân ven biển sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản. Đó là lễ hội nghinh ông, còn gọi là lễ hội cầu ngư.

Qua kết quả tổng điều tra di sản văn hoá phi vật thể tỉnh Bến Tre năm 2004, toàn tỉnh có 12 lăng ông chia ra: huyện Ba Tri 4 lăng; huyện Thạch Phú 4 lăng; huyện Bình Đại 4 lăng.

Đây là lễ hội xuất phát từ tục thờ cúng cá ông (cá voi) của ngư dân Việt từ Quảng Bình đến cực Nam Tổ quốc.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tục thờ cúng cá ông của người Việt là sự giao thoa và tiếp biến văn hóa Việt - Chăm trong quá trình phát triển của lịch sử văn hóa dân tộc.

Chuyện cổ Chăm Pa kể rằng: cá voi là hóa thân của vị thần có tên là Cha-Ail-va tu luyện trên núi. Vì nỗi nhớ quê hương nên cĩa lại lệnh thầy, tự ý biến thành cá voi để theo sông lớn ra biển trở về quê. Trong quá trình vượt sông, thần trải qua bao gian lao thử thách để cuối cùng trở lại hình dáng con người đổi danh xưng là Pô-Raik, tức là thần sông biển, chu du khắp biển cả bao la, sẵn sàng cứu người gặp tai họa đắm thuyền trên biển cả.

Cũng có truyện kể rằng: do cá ông chống lại các loài ca dữ để cứu người nên bị trọng thương, tuy thắng trận nhưng do vết thương quá nặng nên cá ông lụy (cá ông chết).

Xuất phát từ các truyện tích trên và những đặc điểm về cấu tạo sinh học của cá voi, nên ngư dân đều xem cá ông như là vị thần cứu hộ độ sinh của ngư dân, do đó ngư dân lập lăng mộ thờ tự.

Theo Trương Quốc Dụng (1797-1864), danh sĩ triều Nguyễn (thời Minh Mạng), trong Thoái thực kí văn có viết: “Hải thu tục gọi là cá ông voi, mình đầu không vây, đuôi giống đuôi tôm, kì nó rất sắc, mũi ở trên trán...Khi phong ba nổi dậy, thuyền bị đắm giữa biển cả, cá voi thường xuất hiện, đội thuyền trên lưng, đưa vào gần bờ, vẫy đuôi bỏ lên”.

Trong tâm thức dân gian, chủ yếu là những ngư dân trên biển, nơi đầu sóng, ngọn gió, thường gặp bão tố, phong ba thì hình ảnh cứu hộ độ sinh của cá ông trở thành chỗ dựa tinh thần “niềm tin này ban đầu là một nhu cầu giúp người ta có thể chịu đựng gian khổ, hiểm nguy trong cuộc mưu sinh, dần dần dấu vết của niềm tin hằng sâu vào tâm thức, trở thành một tín ngưỡng dân gian”.

Ở Bến Tre tục thờ cúng cá ông voi có ngay từ buổi đầu lập nghiệp (cách nay trên 200 năm). Chứng tích của tín ngưỡng này là lăng ông Vang Quới Tây (huyện Bình Đại), lăng ông Nam Hải xã An Thủy (huyện Ba Tri)..., nhưng lễ hội nghinh ông tập trung vào những năm 1940-1950 thế kỉ XX. Vì, tuy Bến Tre có 65 km bờ biển, nhưng nghề đánh bắt thủy sản của ngư dân Bến Tre sống ven biển Đông phát triển chậm, chủ yếu đánh bắt theo thời vụ bằng các phương tiện: đăng, đáy, lưới bén, cào, xiệp,... theo con nước lớn, nước ròng ven bờ, sản lượng không đáng kể, phục vụ chủ yếu cho cộng đồng cư dân ven biển. Từ đánh bắt thủy sản mang tính tự cung, tự cấp phát triển thành nghề đánh bắt, không chỉ nuôi sống bản thân mà trở nên giàu có.

Phương tiện đánh bắt không ngừng cải thiện, sản lượng ngày càng cao, nhu cầu thu mua và tiêu thụ sản phẩm là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của làng nghề, đồng thời cũng mang lại nhiều lợi nhuận cho người tổ chức thu mua và chế biến thủy sản tư nhân. Các ghe rỗi trên biển (ghe thu mua cá ngay trên biển), các vựa cá ven các cửa sông phát triển ngày càng đa dạng đã tác động đã tác động ngược lại đến sự phát triển của làng nghề cả về phương tiện đánh bắt, kích thích nâng cao tay nghề ngư dân, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, đồng thời nhu cầu về đời sống tinh thần, về tổ chức lễ hội vì thế ngày càng mở rộng.

Ở Bến Tre việc tổ chức lễ hội nghinh ông không tổ chức tập trung, mà phân bố vào các tháng 2, 4, 6, 8 âm lịch. Ngoài lễ hội nghinh ông ở xã Bình Thắng huyện Bình Đại, các địa phương khác tổ chức lễ hội nghinh ông không vượt quá ngoài khu thờ tự.

Lễ hội nghinh ông ở xã Bình Thắng tuy ra đời muộn màng hơn so với các địa phương khác trong tỉnh nhưng lễ hội không chỉ thể hiện đầy đủ tính vốn có của lễ hội dân gian, mà còn phản ánh sinh động cả nội dung và thức của nghề hạ bạc trong hệ thống tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Bình Thắng, tiền nguyên là ấp Bình Thuận 2 được tách ra từ ấp Bình Thuận sau đổi tên là Bình Châu thuộc thị trấn Bình Đại. Sau giải phóng do nhu cầu của sự phát triển, Bình Thuận được đổi thành Bình Thắng và được nâng lên xã Bình Thắng.

Nguyên vào năm 1944, ông Ngô Minh Châu ngụ tại ấp Bình Thuận nhận thấy tại khu vực này rất thuận lợi cho việc tổ chức thu mua, sơ chế sản phẩm từ nguồn lợi thủy sản do ngư dân cung cấp, nên ông dời về đây lập vựa cá và cơ sở sản xuất nước mắm. Việc làm ăn ngày càng phát triển thuận lợi, không chỉ thu hút ngư dân các nơi từ Gò Công, Trà Vinh và ngư dân trong tỉnh về đây trao đổi sản phẩm, mà còn dời cả gia đình về ngụ cư ổn định sản xuất, đồng thời thu hút nhiều gia đình nông dân cuộc sống khó khăn, hoặc có óc kinh doanh trong khu vực tụ họp về đây tham gia sơ chế thủy sản, mở mang dịch vụ dịch vụ, hoặc tham gia làm thuyền viên cho các chủ thuyền đánh bắt. Cư dân ngày càng đông, nghề đánh bắt ngày càng phát triển. Xuất phát từ yêu cầu của cư dân, ông Ngô Minh Châu gởi đơn xin lập ấp Bình Thuận 2 và đề cử ông Nguyễn Văn Quởn làm trưởng ấp, được chính quyền chấp nhận. Đồng thời ông đứng ra xây dựng lăng Ông Nam Hải và tổ chức khánh thành vào ngày 19/7/1951, nhằm ngày 16/6 năm Tân Mão. Do đó, tuy ra đời muộn màng, nhưng tính chất làng nghề đánh bắt thủy sản ở xã Bình Thắng đã hình thành ngay từ ngày đầu lập ấp, cho nên không chỉ làng nghề nhanh chóng phát triển, mà lễ hội nghinh ông của xã Bình Thắng được định hình ngay từ ngày đầu tổ chức lễ hội và lưu truyền cho đến nay, tuy có biến đổi, nhưng theo các bậc cao niên là không đáng kể.

Nếu như trước đây phục vụ lễ hội chỉ có hát bội, múa lân, chào mừng, nay có thêm hoạt động giao lưu đờn ca tài tử, biểu diễn võ thuật, và các dịch vụ phục vụ làng nghề của ngành thủy sản, ngành vật tư xăng dầu,...; Ngoài việc tổ chức nghi lễ do ban tế tự tổ chức tại lăng và tổ chức nghinh ông trên biển, ngư dân còn tổ chức nghinh ông tại gia hoặc trên thuyền đánh bắt cùng vaò thời điểm nghinh ông. Trước thời điểm nghinh ông các chủ tàu sẵn sàng đón nhận khách tham quan đi cùng và sẵn lòng chiêu đãi khách sau nghi thức nghinh ông tại gia.

Tại lăng, thời gian lễ hội được phân bố như sau:

Ngày 15/6 al: 19 giờ- Giao lưu đơn ca tài tử; 21 giờ – Lễ hội cầu an

Ngày 16/6 al: 05 giờ – 6 giờ – Tổ chức lễ hội nghinh ông; 10 giờ tế phối tiền vãng; 19 giờ – Xây chầu đại bội; 24 giờ – Chánh tế.

Ngày 17/6 al: Hát bội 2 suất (sáng và chiều); kết thúc lễ hội. Về chiêu đãi khách được tổ chức cả ngày 16 và buổi sáng 17 al.

Trước giờ nghinh ông, ông chánh bái đến trước linh vị thắp hương khấn nguyện: “Hôm nay ngày 16 tháng 6al, ban tế tự lăng ông Bình Thắng cung thỉnh Thành hoàng bổn cảnh, Địa chủ, Thần tài, Thổ công, Thổ chủ, Thổ phủ,... cho phép chúng tôi thỉnh Ông về chứng minh nhậm lễ” (lạy 3 lạy- xá 3 xá kết thúc nghi lễ).

Xin phép xong, ông chánh bái thỉnh lư hương đi trước, hai bên có lọng che, phía sau là khánh thờ, đi hai bên khánh thờ là hai hàng lính thú và binh tôm, tướng cá cầm đao phò trợ; chiêng, trống liên tục đánh ba hồi đến khi kết thúc nghi lễ nghinh ông.

Trên tàu, lư hương được đặt vào khánh thờ; trên đoạn đường ra biển nghinh ông, tàu nghinh ông đi giữa và đi phía trước, các vạn tàu đi phía sau và ở hai bên; khi tàu nghinh ông đến giáp nước, ông chánh bái bước vào trước khánh thờ thắp 3 nén nhang khấn nguyện: Lễ xướng “Nguyện hương”, ông chánh nguyện hương nâng ba nén nhang ngang trán khấn nguyện:

“Nginh ông sơ ước cam tu, Trong bổn hội thảy đều chung ý nguyện Nhất nguyện hương Việt Nam củng cố(...) phong điều vũ thuận, vạn thọ vô cương. Nhị nguyện hương tinh minh ngũ tử ngư, mục, canh, tiều, sĩ, nông, công, thương, bá tánh nghinhtường, trong thông ấp thảy đều chung nguyện”. Xướng: “thượng hưởng”; “chuốc tửu”; “nguyện tửu”. Ông chánh nguyện hương nâng chung rượu ngang trán lòng thành khấn nguyện:

“Huỳnh tương tiền và ngọc kính dâng chung; cúc tửu sơ tuần chấp kỉnh tư đơn, chúc linh tấn tước”.

Khấn xong lạy ba lạy, xá ba xá thực kiện nghi lễ xin keo. Trước khi xin keo, hai tay nâng hai đồng tiền ngang trán trình lễ xin keo, nội dung như sau: “Đệ tử tên là (...) chánh nguyện hương của ấp 3 xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Hôm nay, ngư dân bổn hội chúng tôi đã tới đây, ra đây để nghinh ông về uống rượu, sau xem ba suất hát với anh em bổn hội chúng tôi, giúp cho mưa thuận, gió hoà, an cư, lạc nghiệp, nhà nhà yên vui.

Xin ông Nam Hải cảm ứng chứng minh, đệ tử thành tâm xin một keo trở về sớm lo việc cúng ông Nam Hải năm 2004, xin ông Nam Hải chứng minh.”

Khấn xong lạy ba lạy, xá ba xá, xin keo. Hai tay nâng hai đồng tiền (giống nhau), lòng thành khẩn buông hai đồng tiền rơi tự do vào dĩa, đồng xấp, đồng ngửa là Ông đã chứng minh. Nhạc trỗi, lân múa, đoàn tàu vui mừng, cùng nhau quay trở vào bờ thật sôi nổi, hào hứng. Ngược lại, nếu xin keo chỉ xấp hoặc chỉ ngửa, ông chánh nguyện hương phải thực hiện lại nghi lễ xin keo như ban đầu. Trong thời gian thực hiện nghi lễ, đoàn tàu nghinh ông tất cả đều chậm lại thành khẩn chờ đợi sự linh ứng chứng minh của Ông, đến khi nhạc trỗi, lân múa bầu không khí chờ đợi lập tức bị phá vỡ, rộn ràng, náo nức hẳn lên.

Trong nghi chánh cúng (24 giờ ngày 16 tháng 6 al), ngoài việc thực hành nghi lễ theo điển lệ, còn thực hiện đọc văn tế. Nội dung bài văn như sau:

“Tứ nhơn tiết giới đáo lệ tế viên cẩn vĩ can lạp sanh lệ hương đăng thanh chước thứ phẩm chi nghi, cảm chiếu cáo vu.

Sắc tứ quốc gia Nam Hải quyền phong Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần, Tả Lý Ngư chi vị, Hữu Lý Lực chi vị, ông Tiều, ông Gốc chi vị, Hà Bá Long Vương chi vị, Thủy Long Thần Nữ chi vị, Tứ Hài Long Vương chi vị, Đông Nam Sát Hải chi vị đẳng chư thủy tộc tôn linh đồng lai phối hưởng.

Viết,

Cung di tôn linh hải hà dục tú, nhạc độc chư tinh trấn hải ngoại hùng phong ngư hà đến thủy quản, thủy trung cự tễ kình ngạc khấu đầu biến hóa hiển vinh tế nhôn ư phong võ chi trung, lai giảng kinh phù cứu chúng du sa đào chi nội nãi niên tải nguyện đơn trình lệ kiền cung hiến diện kỉnh thành ngưỡng lại tôn linh giáng phước bổn thôn ấp da chi huệ dã.

Phục duy thượng hưởng”.

Đây là lễ hội của một làng nghề, mà ở đó con người luôn đối mặt với đầu sóng, ngọn gió, phải lênh đênh trên biển cả hàng tháng trời, họ không chỉ mưu cầu cuộc sống cho bản thân và gia đình mình mà cho cả xóm giềng và cho toàn xã hội qua những chuyến tàu đầy ắp cá lúc cập bờ. Và cứ như thế nối tiếp nhau, dần tạo cho người dân làng chài một phong cách thoáng đạt, rộng mở, niềm tin vào con người, vào thiên nhiên ngày càng sâu sắc hơn, sự cố kết giữa cá nhân và cộng đồng ngày càng chặt chẽ hơn.

Điều đó cho thấy mục đích của lễ hội không chỉ thoả mãn niềm tin của con người đối với thế giới siêu nhiên, mà qua đó còn giúp cho con người nhận diện mình một cách khách quan và chân thật hơn, chân thành và cởi mở hơn, đoàn kết và thân yêu nhau hơn, nhu cầu và khả năng qua đó từng bước được giải quyết thoả đáng, đời sống ngày một nâng cao, ... Nghinh ông cũng là dịp để người dân làng nghề “bày tỏ với bàn dân thiên hạ” về sự phát triển không ngừng của người “trong bổn hội thảy đều chung nguyện” và của sự “linh ứng chứng minh”, của phong điều vũ thuận, vạn thọ vô cương, là kết quả của ngư, mục, canh, tiều, sĩ, nông, công, thương, bá tánh nghinh tường, cho an cư, lạc nghiệp cho nhà nhà yên vui.

Cùng với lễ hội kỳ yên đình làng, lễ hội nghinh ông tiếp tục cầu cho “...phong điều, vũ thuận; quốc thái; dân an; cho vạn thọ vô cương; cho ngư, mục, canh, tiều, sĩ, nông, công, thương, bá tánh nghinh tường, trong thôn ấp thảy điều thạnh lợi; cho an cư lạc nghiệp, cho nhà nhà yên vui...”. Qua đó ta thấy tính nhân văn, nhân đạo, tinh thần đoàn kết... tiếp tục được phát huy; niềm tin- sức mạnh tinh thần được củng cố; giúp cho ngư dân nhận diện mình sau chu kì đánh bắt. Sau lễ hội, họ lại tiếp tục ra khơi bằng một niềm tin mới, ước nguyện mới.

Ngày nay, trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống từng bước được phục dựng, đã, đang góp phần tích cực vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ hội nghinh ông Bến Tre không chỉ thể hiện đời sống tâm linh của người dân địa phương trong lao động đánh bắt hải sản mà còn làm phong phú cuộc sống tinh thần, đem lại niềm vui cho nhân dân, góp phần làm đa dạng nền văn hóa dân tộc.