Lễ hội làng Hòa Mỹ

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Địa danh Hoà Mỹ được xác lập trên bản đồ đất nước từ năm 1825 (Minh Mạng thứ 5), nay là khối phố Hoà Mỹ, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Lễ hội đình làng diễn ra hàng năm vào ngày 12/01 âm lịch nhằm nhắc nhở tinh thần “uống nước nhớ nguồn” trong con cháu các tộc họ, kiểm điểm những việc đã làm được trong một năm và định hướng những việc sẽ thực hiện trong năm đến. Do hoàn cảnh chiến tranh, việc tổ chức lễ hội bị gián đoạn một tới gian dài, mãi đến năm 1994 mới được khôi phục trở lại.

Lễ hội đình làng Hoà Mỹ diễn ra trong một ngày rưỡi. Phần lễ theo nghi thức cổ truyền gồm lễ vọng và lễ hội kỵ chính thức. Phần hội có nhiều nội dung phong phú, truyền thống và hiện đại đan quyện vào nhau, tạo nên nét rất riêng cho lễ hội. Mở đầu phần hội bao giờ cũng là giải chạy việt dã truyền thống, thu hút đông đảo nông dân, thanh - thiếu niên, nam nữ học sinh tham gia. Trong khi người trẻ tuổi thi cắm hoa, thi làm bánh thì người cao tuổi biểu diễn thể dục dưỡng sinh, vui chơi bài chòi.

Khán giả bao giờ cũng thật đông quanh các trò chơi dân gian như kéo co, đập om... bởi cái không khí rất hội hè của chúng. Các tổ dân phố, các gia tộc, các đoàn thể có dịp ngồi lại bên nhau trong buổi sinh hoạt giao lưu văn hoá, trao đổi những kinh nghiệm về nếp sống đẹp trong đời thường để cùng giúp nhau tiến bộ. Các trích đoạn hát tuồng đan xen vào các tiết mục ca múa nhạc kịch của chương trình văn nghệ lễ hội cũng là một cách kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại.

Lễ hội đình làng giữa một khu phố như Hoà Mỹ là một nét rất riêng trong đời sống văn hoá của người dân Đà Nẵng.