Đây là một lễ nhằm chính thức hóa quan hệ hôn nhân của hai gia đình. Lễ chạm ngõ ngày nay không còn theo lối xưa, mà chỉ là buổi gặp gỡ giữa hai gia đình. Nhà trai xin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tự do đi lại, tiếp tục quá trình tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Buổi lễ này, không cần vai trò hẹn trước của người mai mối và cũng không cần lễ vật rườm rà. Sau lễ chạm ngõ, người con gái được xem như đã có nơi có chốn.

Về bản chất, lễ này chỉ là một ứng xử văn hóa, thông qua đó hai gia đình có thể biết rõ về nhau hơn (về gia cảnh, gia phong), từ đó dẫn tới quyết định tiếp tục hay không quan hệ hôn nhân của hai gia đình. Lễ vật của lễ chạm ngõ theo truyền thống rất đơn giản: chỉ có trầu cau.

Xét về mặt chức năng: nếu bỏ qua lễ này mà đi thẳng vào lễ ăn hỏi thì mọi việc sẽ bị cảm thấy đường đột, ngang tắt, không có khởi đầu. Vì thế, tuy không phải là một lễ trọng nhưng lại là một lễ không thể thiếu trong tiến trình hôn lễ. Hơn nữa, lễ này không tốn kém (lễ vật chỉ có trầu cau) mà lại biểu thị được bản sắc văn hóa dân tộc thì việc bỏ qua là điều không hợp lý.