Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Phiên bản vào lúc 14:33, ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Admin (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “Dân tộc Pu Péo thuộc nhóm ngôn ngữ Ka-Đai, là một trong 5 dân tộc có số dân ít nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Na…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Dân tộc Pu Péo thuộc nhóm ngôn ngữ Ka-Đai, là một trong 5 dân tộc có số dân ít nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Dân tộc Pu Péo hiện chỉ có 705 người, trong đó nam 346, nữ 359.

Tại Hà Giang, người Pu Péo hiện có 606 người, sinh sống chủ yếu tại các xã Phố Là (huyện Đồng Văn); Sủng Tráng và Phú Lũng (huyện Yên Minh), ngoài ra còn một số hộ gia đình sinh sống rải rác tại huyện Mèo Vạc. Mặc dù số dân không đông, nhưng người Pu Péo lại sinh sống khá phân tán trên rẻo cao biên giới Việt-Trung.



Là một dân tộc có số dân quá ít, người Pu Péo luôn đứng trước sự đe dọa bị đồng hóa bởi các dân tộc có số dân đông hơn. Mặc dù gặp nhiều trở ngại lớn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, song nhiều năm qua, dân tộc Pu Péo ở Hà Giang vẫn gìn giữ nguyên vẹn lễ cúng thần rừng.

Với người Pu Péo, lễ cúng thần rừng có một ý nghĩa rất đặc biệt, họ quan niệm thần phù hộ cho cuộc sống người dân và thần ngụ ở trên rừng nên từ xa xưa, cụ tổ của dân tộc Pu Péo đã thề ở miếu trước cửa rừng rằng sẽ dạy bảo con cháu giữ gìn rừng thiêng.

Tín ngưỡng thờ giữ rừng, cúng rừng, với người Pu Péo chính là cúng tổ tiên. Rừng thiêng có vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày cũng như trong đời sống tâm linh của họ. Những khu rừng được chọn làm rừng thiêng người dân phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt, không được chặt cây, lấy củi, phá rừng, đốt nương rẫy, không vứt rác, không chăn thả gia súc, giữ cho rừng sạch sẽ, trong lành.

Hàng năm, cứ vào ngày 6/6 âm lịch, người Pu Péo lại tổ chức lễ hội cúng thần rừng vì họ cho rằng, ngày 6/6 âm lịch là ngày sạch sẽ nhất trong năm, trời đất đều linh thiêng. Địa điểm tổ chức lễ hội là thôn Chúng Trải, xã Phố Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Nơi tổ chức lễ cúng là một gò, gần bìa rừng phía đầu bản người Pu Péo sinh sống.

Lễ vật cúng thần rừng gồm có một đôi gà trống, mái tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở; một con dê đực lông màu đen to khỏe; bánh nếp và trứng luộc được cắt ra thành nhiều miếng nhỏ. Lễ cúng được tiến hành qua bốn bước.

Bước thứ nhất, dâng lên thần rừng những lễ vật vẫn còn sống, gồm một con dê và một đôi gà; 20 lát bánh nếp được cắt thành miếng nhỏ bày ở hai nơi: Một phần được bày trên đàn cúng, một phần được bày trong chiếc nong đặt trước đàn cúng.

Bước thứ hai, các lễ vật vẫn còn sống, gồm dê và đôi gà sau khi dâng lên thần rừng sẽ được đem đi mổ thịt. Sau khi cắt tiết xong thì các con vật và cả tiết của chúng tiếp tục được dâng lên thần rừng.

Bước thứ ba, các con vật sau khi được mổ thịt dâng cúng thần rừng sẽ được đưa đi làm sạch sẽ và nấu chín, rồi đem trở lại đàn cúng để tiếp tục dâng lên thần rừng.

Bước thứ tư là cúng chúng sinh, thầy cúng sẽ mời hương hồn của tất cả các bậc tiền bối của tộc người Pu Péo cùng về để chứng kiến lễ cúng thần rừng và cùng với thần rừng ghi nhận những lời cầu nguyện của tộc người Pu Péo, từ đó thêm phù hộ cho rừng của người Pu Péo cũng như rừng của các dân tộc khác trên địa bàn mãi thêm xanh và không ngừng phát triển.

Sau khi cúng đủ bốn bước, già làng và dân bản tới chỗ cây tổ cao và to nhất khu rừng để thắp hương và báo cáo với thần Rừng là buổi lễ cúng thần Rừng đã hoàn tất. Sau đó thầy cúng xin thần rừng một ít cây non để bà con dân tộc Pu Péo trồng vào những khoảng đồi còn trống.

Mục đích của Lễ cúng thần Rừng của người Pu Péo là cầu sự an lạc cho vạn vật, sự an lành cho con người, súc vật và cỏ cây. Lễ cúng thần rừng không những có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên. Từ yếu tố tâm linh đến cuộc sống sinh hoạt, lễ cúng thần rừng là một hoạt động bảo vệ rừng có tính cộng đồng chặt chẽ và đem lại hiệu quả thiết thực ở vùng cao núi đá.