Lễ hội long trọng và qui mô lớn nhất của Bình Định là lễ hội Tây Sơn được tổ chức tại nhiều làng của huyện Bình Khê cũ, nay đổi tên là huyện Tây Sơn. Đông đảo và tưng bừng nhất là lễ hội tổ chức tại làng Kiên Mỹ, quê hương và cũng là nơi dấy binh của ba anh em nhà Tây Sơn. Lễ hội diễn ra trong nhiều ngày, mồng 5 tháng Giêng (kỷ niệm chiến thắng Đống Đa) là ngày lễ chính. Trước sân điện thờ và nhà bảo tàng Tây Sơn, tiếng trống đại vang lên trong không khí trang nghiêm thơm ngát mùi trầm; vị chánh tế đọc bài văn tế ôn lại sự nghiệp của phong trào Tây Sơn và những thành tựu của triều đại Tây Sơn (1770-1802), các đoàn đại biểu đến từ nhiều miền của đất nước dâng hương trước điện thờ. Dàn nhạc võ 12 trống vang lên từ khúc thúc quân đến khúc khải hoàn.

Từ vùng đất này đã ra đời một phái võ làm rạng danh truyền thống võ nghệ Việt Nam từ nhiều thế kỷ nay : phái võ Tây Sơn. Hàng năm phái võ này sống lại rạng rỡ trong lễ hội Tây Sơn, và hàng trăm ngàn người hành hương về đây để được nghe lại âm hưởng của khúc nhạc trống trận, được chiêm ngưỡng những thế võ, bài quyền bất hủ, nào là long quyền, hổ quyền, kê quyền, quyền gà chọi... gắn liền với tên tuổi Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ là những võ sĩ đã góp phần cách tân, nâng cao võ thuật Tây Sơn ở các môn côn, quyền, song kiếm, đại đao...

Võ thuật Tây Sơn cũng đã thăng hoa thành nghệ thuật âm nhạc. Đó là điệu múa-nhạc trống võ Tây Sơn mà mười mấy năm nay, những người dự lễ hội Tây Sơn tại Bình Định được thưởng thức qua tài nghệ của một thiếu nữ - cháu bảy đời của dòng tộc Nguyễn Huệ - mặc áo chẽn đỏ (hay trắng), quần màu hồng nhạt, lưng thắt đai xanh, hai tay múa cặp dùi lướt chớp nhoáng trên cả 12 mặt của bộ trống trận Tây Sơn, với một phong thái làm chủ oai phong vô cùng điệu nghệ, lại được tiếng kèn và nhịp chập chõa phụ họa, tạo nên một ấn tượng hùng tráng tuyệt vời.