Lê Quang Định

(Kỷ Mão 1759 - Quý Dậu 1813)

Văn thần đời Nguyễn sơ, tự Tri Chỉ, hiệu Cấn Trai, quê huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Mồ côi cha, nhà nghèo, ông theo anh vào Gia Định kiếm sống. Thông minh hiếu học, ông được một vị y sĩ gả con gái và tận tình giúp đỡ. Ông học với cao sĩ Võ Trường Toản, tiến bộ nhiều, kết bạn với Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, về sau tiếng tăm lẫy lừng, được người đương thời xưng tặng là "Gia Định tam gia". Lại nữa, thị xã Bình Dương do ông và các bạn thơ lập ra đương thời cũng được sĩ phu nức tiếng khen ngợi.

Năm Mậu Thân 1788, khi Nguyễn ánh chiếm lại Gia Định, mở khoa thi, ông và Trịnh Hoài Đức trúng tuyển, được cử làm Hàn Lâm việc chế cáo, giữ việc biên soạn sổ sách. ít lâu thăng Hữu tham tri, rồi thăng đến Thượng thư bộ Binh. Khi Nguyễn ánh lên ngôi vua (tức Gia Long) năm đầu (1802) ông làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Khi về thăng làm Thượng thư bộ Hộ phụ trách Khâm Thiên Giám.

Ông nổi tiếng thơ văn, chữ đẹp thơ hay mà cũng có tài về hội họa. Lúc đi sứ tài năng ông từng được người Trung Quốc khen ngợi. Khoảng năm 1806, ông được cử biên soạn bộ Hoàng Việt nhất thống địa dư chí. Năm Quý Dậu 1813 ông mất, hưởng dương 54 tuổi. Thơ ông gồm chung với thơ của Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh thành bộ Gia Định tam gia thi tập. Ngoài ra, ông còn có tập Hoa Nguyên thi thảo.