Quất Động thuộc huyện Thường Tín, Hà Tây. Làng có nghề thêu và trở thành một trung tâm thêu của Hà Đông cũ và của cả nước từ giữa thế kỷ XVII do Lê Công Hành truyền dạy nghề. Như vậy, nghề thêu ở Quất Động đã có khoảng 500 năm nay. Xưa kia, thợ Quất Động cũng như thợ thêu các nơi chỉ làm các loại nghi môn, câu đối, trướng và các loại khăn chầu, áongự của vua chúa. Kỹ thuật thêu cũng đơn giản, màu sắc chưa thật phong phú như ngày nay. Mãi đến đầu thế kỷ XX, nghề thêu mới tiến thêm một bước mới, do có nguyên vật liệu nhập ngoại, như các loại chỉ và màu công nghiệp của phương Tây. Theo năm tháng, nghề thêu tiến triển và có bước ngoặt quan trọng, nhiều loại sản phẩm thêu thủ công đã đạt chất lượng và mỹ thuật cao.

Thợ thêu Quất Động và thợ thêu nói chung là những người thợ khéo tay có con mắt thẩm mỹ và hết sức cần cù, tỉ mỷ. Những đức tính ấy, năng khiếu ấy là yêu cầu cơ bản đối với mỗi người thợ thêu để có thể tạo ra các sản phẩm tinh tế, hòa hợp màu sắc và hoa văn trên nền lụa, vải. Bàn tay thợ thêu Quất Động rất khéo, chỉ cần vẽ phác những đường mẫu trên vải bằng phấn mờ, người thợ cầm kim thêu từng mũi, từng mũi dần dần hiện lên sinh động những hình tượng hoa lá, chim muông, mây nước với màu sắc tinh tế như một bức tranh vậy.

Trong kỹ thuật thêu, khó nhất vẫn là thêu đường lượn, đường viền các khối hình, thêu nổi gân lá, đài hoa, mắt phượng... Ở những tay thợ giỏi, trên sản phẩm thêu bao giờ cũng bảo đảm yêu cầu rất nghiêm ngặt, chân mũi chỉ đều đặn, cánh chỉ như quyện lấy nhau, không một lỗi chân chỉ hay trái canh. Đường thêu càng mềm mại, chân chỉ càng lẩn thì sản phẩm càng mỹ thuật. Một số nghệ nhân của ta còn thêu được những tác phẩm nghệ thuật, những bức thêu truyền thần và sáng tạo những sản phẩm theo mẫu mới. Đó là các tranh thêu: bức tranh phiên bản "Nụ cười Phục Hưng của "Lê-ô-nađờ Vanh-xi". "Nhà Bác Hồ ở Kim Liên", "Chùa Một Cột", "Chân dung Bác Hồ"...

Công cụ dùng trong nghề thêu khá đơn giản. Các thợ thêu chỉ sử dụng một số thứ vật liệu ở mức tối thiểu:

- Kim thêu

- Khung thêu các cỡ, kiểu tròn và kiểu chữ nhật

- Kéo, thước, bút lông, phấn mỡ

- Chỉ thêu các màu

- Vải thêu (vải trắng, sa tanh, lụa...)

Với đôi bàn tay khéo léo và bộ óc sáng tạo của người thợ thêu, người Quất Động đã làm ra nhiều sản phẩm, từ các mẫu truyền thống đến các mẫu hiện đại. Hàng thêu Quất Động đã từng nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, hiện nay vẫn chiếm được cảm tình và tín nhiệm của khách hàng trong và ngoài nước.