Các làng nghề truyền thống ở Bình Thuận khá đa dạng và phong phú. Nổi bật nhất là nghề chạm gỗ, nghề gốm và đồ thủ công mỹ nghệ.

Nghề chạm khắc gỗ, đan mây tre rất thịnh hành ở Bình Thuận. Làng nghề mây tre lá Thái Thạch Phú ở Ðức Linh tạo nhiều sản phẩm mỹ nghệ khung kính, hộp bình, giỏ hoa từ nguồn lá bèo, dây chuối sứ, cộng lục bình khô, nhận hợp đồng thường xuyên với nhiều công ty kinh doanh.

Làng nghề đan cót, xà bớ, nong nia ở Ðồng Kho - Tánh Linh và làng nghề đan giỏ cá khô, cá hấp, thúng, chai ở cửa biển Cồn Chà, Phan Thiết thì sản phẩm rất quen thuộc với đời sống người lao động. Ở những nơi này các cụ già thường bày cho con cháu cách cầm dao, chẻ tre, ra nan, chuốt láng, đan đáy, bẻ luồng, nẹp miệng, cạp vành, đánh quai, tạo sản phẩm bền đẹp đem bán cho người tiêu dùng.

Làng nghề Trúc Mai ở Hàm Tân tạo sản phẩm mỹ nghệ bằng bẹ chuối khô. Những đôi tay thiện nghệ chà láng, tẩy trắng, phun keo, làm bóng, tước sợi, hấp tẩy làm ra các mặt hàng mâm đựng ngũ quả, ghế ngồi, nệm lưng, giỏ xách kiểu mới, trước khi lên đường sang thị trường châu Âu được tính với giá 20 - 30 USD/chiếc tùy theo loại.

Ðầu năm 2005, gần 1.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang tính đặc thù văn hóa Chăm được Công ty TNHH gốm mỹ nghệ Vichamco đưa vào tham gia Hội chợ hoa xuân Ất Dậu tại Công viên Tao Ðàn TP Hồ Chí Minh. Sáu nghệ nhân Chăm biểu diễn tại chỗ những thao tác sản xuất gốm Chăm như viết thư pháp trên gốm, điêu khắc hoa văn, đắp phù điêu nổi..., quảng bá sản phẩm mỹ nghệ Chăm có giá trị nghệ thuật cao với thị trường trong nước và ngoài nước.

Làng nghề bánh tráng ở Hàm Nhơn, Hàm Thuận Bắc sản phẩm ra lò từ gạo tẻ xay thành bột mịn pha lỏng vừa phải, dùng gáo dừa múc đổ lên khung vải hình tròn căng trên nồi nước sôi. Bột mịn trải đều thành một lớp mỏng, nghệ nhân dùng đũa tre dài tách khỏi mặt vải đặt lên khung tre đem phơi khô. Bánh tráng là món ăn rất thích hợp khẩu vị dân tộc. Bánh tráng dày rắc thêm hạt vừng khi ăn nướng trên lò than hồng, nhai dòn, có vị béo và thơm.

Ðể tôn vinh các làng nghề truyền thống, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định công nhận 15 làng nghề tiểu thủ công nghiệp đạt tiêu chuẩn và bảy làng nghề truyền thống đan mây tre, đúc bánh tráng, mộc dân dụng, dệt thổ cẩm, chế biến hải sản... gồm 3.295 hộ, với 9.623 lao động, mỗi năm thu nhập bình quân 15-20 triệu đồng/hộ và 100 - 150 triệu đồng/doanh nghiệp cơ sở.

Có thể nói, các làng nghề truyền thống ở Bình Thuận đang hồi sinh trong nền kinh tế thị trường hôm nay, nó đã tạo ra nhiều việc làm cũng như tăng thêm thu nhập cho người dân ở mảnh đất Bình Thuận này.