Khi nhắc đến hình ảnh o gái Huế, mọi người đều không quên tà áo dài tím thướt tha sánh cùng chiếc nón lá trắng xinh, che nghiêng trong nắng. Nơi ấy, chứa đựng cả một dáng hình đất nước, dù đi xa ai cũng gắng quay về. Vì thế, trong nhiều địa danh đẹp và thơ của Huế, người đến du ngoạn nơi đây cũng không quên ghé thăm làng nón Bài thơ Tây Hồ, để tận mắt nhìn thấy những chiếc nón duyên dáng đã được ra đời từ bàn tay khéo léo của con người đất cố đô như thế nào.

Làng Tây Hồ nằm bên dòng sông Như Ý, thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Không biết tự bao giờ, làng đã bắt đầu nghề làm nón bài thơ. Người ta chỉ biết rằng trải qua bao sự thăng trầm lịch sử làm nón vẫn là cái nghề, là nghiệp phải noi theo của bao thế hệ người làng Tây Hồ.

Nguyên liệu để làm nên một chiếc nón bài thơ xứ Huế rất đơn giản, chỉ bằng lá dừa và lá gồi. Để có một chiếc nón bài thơ vừa nhẹ vừa đẹp, người ta phải thực hiện khoảng 15 công đoạn từ lên rừng hái lá, rồi sấy lá, mở, ủi, chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ... Để có được lá đẹp, người ta thường lên rừng chọn loại lá non (của cây Bồ Qui Diệp) có màu xanh nhẹ, sau đó đem phơi sương qua đêm để lá dịu lại. Tiếp theo, người ta ủi lá cho phẳng, chuẩn bị khung để chằm nón. Khung này bao gồm 6 cây sườn chính, dựa trên đó người ta bố trí 16 nan tre được vót nhỏ uốn quanh khung hình chóp nón. Khi làm nón bài thơ, người ta chỉ làm 2 lớp lá, ở giữa là những thắng cảnh và các câu thơ hay. Để bền hơn người ta lót thêm một lớp lá đót. Cuối cùng là cắt phần lá thừa, làm quai và phết một lớp mỏng sơn dầu để chống thấm.

Chiếc nón bài thơ xứ Huế tuy đơn giản nhưng mang trong nó là một tấm lòng, một tình yêu quê hương đất nước, nhẹ nhàng đi vào thơ ca:

“Áo trắng hỡi thuở tìm em chẳng thấy

Nắng mênh mang mấy nhịp Trường Tiền

Nón rất Huế nhưng đời không phải thế

Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng”

Hình ảnh o gái nhỏ xinh trong tà áo dài mang sắc tím, trên đầu là chiếc nón bài thơ, dịu dàng trên đường phố Huế đã để lại biết bao xúc cảm cho người đến với mảnh đất cố đô này. Đến đây, bạn không chỉ tận hưởng được không khí cổ kính của những thành quách lầu đài, thưởng thức những món ngon mà còn cảm nhận một tâm hồn Huế chứa đựng trong từng chiếc nón bài thơ hòa cùng câu hò bên bờ Hương giang thơ mộng.