Nguyên liệu làm vật liệu xây dựng bằng xi măng có:
- Cát nhỏ
- Sạn, đá sỏi
- Sắt tròn 5 lý, 10 ly v.v…
- Xi măng thường.

+ Cát: Phải dùng cát khá mịn, sạch, không mặn, vì nếu có muối thì xi măng sẽ bở, không rắn chắc. Cát to quá thì đỡ tốn xi măng nhưng vật dụng không khỏe.

+ Sạn: Sạn là đá xanh đập nhỏ ra rồi sỏi là đá nhỏ đường kính từ 2 đến 5 ly.

+ Sắt: Sắt là những thanh tròn 3 ly, 5 ly hay 10 ly dùng để cho vào ruột làm cốt của vật dụng khi phải làm công tác gì đòi hỏi một sức chịu đựng cao, ví dụ như đúc các tấm đan nhỏ, nhưng khá dài. Dùng sắt để làm cốt cũng như đúc sàn nhà bê tông và gọi là bê tông cốt thép (bê tông ác-mê)

+ Xi măng: Loại xi măng nào cũng dùng được, miễn là đừng dùng xi măng để lâu ở nơi ẩm thấp nên đã rón cục lại. Thứ xi măng này loại bỏ đi. Xi măng thông dụng và rẻ tiền là xi măng đen thường bán trên thị trường như xi măng Hà Tiên v.v… Không cần dùng đến xi măng mau khô hoặc xi măng trắng.

+ Dụng cụ: Dụng cụ làm vật dụng xây dựng nhỏ rất đơn giản: Cần mấy khuôn bằng cây (gỗ) hay tôn, và bằng xi măng đúc với cát. Lại cần mấy cái bay bằng sắt để gọt, giũa cốt của khuôn khi đúc vật dụng. Nói rộng ra thì dụng cụ làm vật dụng xi măng giống như dụng cụ của người thợ hồ.

Cách thức làm:

Có 5 công đoạn chính:

- Làm khuôn cái
- Làm cốt khuôn bằng cát
- Đắp hình vật dụng lên cát
- Tu bổ cho vật dụng trở nên nhẵn, đẹp và chắp ghép những vật dụng hình tròn như ống để gắn hai hay ba mảnh vào nhau.
- Phơi khô.
1/ Khuôn cái:

Muốn đúc hay đắp một vật dụng nào, phải sửa soạn một cái khuôn rỗng. Khuôn ấy có thể làm bằng cây (gỗ) khoét ở trong ruột bỏ đi cho có một khuôn cái. Có thể lấy xi măng trộng cát, cứ 5 phần xi măng thì trộn 3 cát, về sau vật dụng sẽ cứng muốn làm thứ tốt hơn thì cho 5 phần xi măng với một phần cát. Cứ mỗi một kiểu vật dụng thì phải dùng một khuôn. Như vậy nếu làm nhiều kiểu vật dụng thì phải làm nhiều khuôn cái.

2/ làm cốt khuôn

Người ta bắt đầu lấy cát hơi ướt mà đắp sơ trên mặt đất hình vật dụng định làm. Đoạn lấy khuôn úp lên cát cho thành hình, rồi nhấc bỏ khuôn ra.

3/ Đắp hình lên cát

Sau khi đã in khuôn lên cát rồi thì bỏ khuôn ra ngoài, trộn 3 phần cát với 5 phần xi măng và rất ít nước. Lấy xi măng ấy rồi dùng bay bằng tôn mà trét xi măng lên cốt khuôn một lần, dày mỏng tùy theo hạn định lấy. Trét hình xong thì lấy khuôn có rắc cát mịn làm cát áo vào phía trong mà úp lên hình cát đã đắp. Khi úp phải đè khuôn xuống cốt sao cho chặt để sau này mặt vật dụng được nhẵn mịn.

4/ Tu bổ sửa sang

Khi đã úp khuôn lên cốt, để độ hai giờ hay hơn, tùy thời tiết nắng nhiều hay nắng ít, bỏ khuôn ra và lấy dao bay tỉa chỗ nào không đẹp, thừa hoặc thiếu sót.

Khi đúc những ống tròn hoặc thẳng hoặc cong thì người ta phải đúc làm hai lần, mỗi lần một kỳ đúc. Về sau khi đã khô rồi thì lấy hai phần nửa vật dụng và dùng xi măng nhào nước mà gắn vào với nhau, lấy dây bố hay kẽm mà buộc chắt, đoạn để cho khô cứng mới được đem dùng.

Việc đắp khuôn và tu sửa cho vật dụng thành hình đẹp đẽ, nhẵn nhụi là một công việc khó, đòi hỏi ở người thợ sự khéo tay cho nên người nào muốn đúc giỏi thì phải học và thực hành nhiều lần cho có kinh nghiệm. Khi trộn xin măng với cát cũng phải thận trọng để vật dụng tốt, mau cứng và nhẵn nhụi.

5/ Phơi khô

Đắp và in khuôn bỏ ra ngoài khi thấy xi măng đã trở nên cứng. Để một hai ngày cho khô, đoạn lấy vôi trắng mà quét lên vật dụng một nước, xong đem bày ra chỗ nắng mà phơi nhiều ngày cho xi măng rắn.

Bằng phương pháp trên, ta có thể làm những vật dụng sau đây:

- Tấm đan nhỏ, trong ruột có đặt thỏi sắt hay không có. Làm loại này khỏi phải dùng khuôn
- Hàng rào theo nhiều mẫu có trổ hoa (bông) hay chỉ có chấn song.
- Ống máng, ống “buy” tròn, ống cong cút.
- Lỗ thông hơi tròn hay vuông
- Cửa sổ nhỏ có trổ bông hay nhiều hình kỷ hà.