Cũng như một bản nhạc Tây phương, một bản cổ nhạc miền Nam cũng được chia ra làm nhiều đoạn hay nhiều lớp (Tứ đại có lớp Xự, và lớp Xang) mỗi lớp có một số câu, mỗi câu có một số nhịp (mesure).

Và từ đây là bắt đầu có một sự khác biệt căn bản giữa hai âm nhạc :

Trong một bản nhạc Tây phương mỗi nhịp (mesure) được chia ra làm nhiều " Thì " (temps) như 2/4, 4/4 hay C, hoặc 3/8, 6/8, 9/8 ... để rồi, tuỳ theo cái " thì " đó mà mỗi nhịp bắt buộc phải có và chỉ có bao nhiêu nốt loại nào (tròn, trắng, đen, một nóc, hai nóc ...) cùng với bao nhiêu ngừng im (pause, silence).

Congdongviet net -200330-104346.PNG

Còn trong cổ nhạc miền Nam thì có nhịp (mesure) chớ không có " thì " (temps), cho nên nhạc sĩ đã là " Instant Composer " thì tuỳ ý, tuỳ hứng, tùy " yên sĩ phi lý thuần " (inspiration) mà đánh bao nhiêu nốt trong một nhịp, nghỉ bao nhiêu lần bao nhiêu lâu cũng được, miễn là, " canh nhịp " cho đúng, để mà ở những chỗ có nhịp chính của bản đàn thì đánh cho đúng cái nốt bắt buộc ở đó, (gọi là " xuống nhịp " cho đúng) ; bởi lẽ mỗi bản nhạc là một cái khung cái mẫu theo một số điệu nào đó thì luôn luôn có một số nhịp chính, ở đó bắt buộc phải đánh nốt nào đó. Thí dụ trong bản nhạc vọng cổ, ở câu 1, thì nhịp đầu là " Hò ", nhịp thứ tư là " Hò ", nhịp thứ 8 là " Xang ", nhịp thứ 12 là " Cống ", thì nhạc sĩ chỉ cần canh nhịp cho đúng để đến nhịp 1 thì đánh Hò, gọi là " xuống Hò ", nhịp 4 thì " xuống Hò ", nhịp 8 thì " xuống Xang ", và nhịp 12 thì " xuống Cống ", còn ở những chỗ khác thì tha hồ, tuỳ ý, tuỳ hứng miễn là canh nhịp sao cho đúng để " xuống nhịp " cho đúng.