Khác biệt về quan niệm (conception) một bản đàn

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Trong nhạc Tây phương một bản nhạc là một tác phẩm do một nhạc sĩ sáng tác, viết ra để cho mình chơi, người khác chơi, một dàn nhạc chơi và sẽ lưu lại cho hậu thế chơi ; và mỗi khi chơi thì đánh lên không sai một ly những nốt và những ngừng im (pause, silence) đã viết ra trong bản nhạc. Cho nên một nhạc sĩ Tây phương, lúc đàn thì, về mặt kỹ thuật hành sử (exécuter) một nhạc phẩm (có trước mặt hay thuộc lòng) của tác giả ; còn về mặt tình cảm thì " phiên dịch " (interpréter) tình cảm của tác giả ấy, nghĩa là nghĩ rằng, đoán rằng, lúc sáng tác tác giả ấy đang nghĩ đến gì, thì mình cố gắng diễn tả tư tưởng, cảm giác ấy qua bản nhạc của ông ấy mà mình đang đàn. Còn theo cổ nhạc miền Nam, vì không có lối viết nhạc (écriture musicale) nên nhạc sĩ không thể có bản nhạc trước mắt, và vì quan niệm rằng một bản nhạc là một cái khung, một cái mẫu theo điệu nào đó để cho nhạc sĩ theo đó mà sáng tác, liền ngay tại chỗ trong lúc đàn một bản nhạc của mình để diễn tả tư tưởng và cảm giác hiện tại của mình : cho nên có thể nói rằng một nhạc sĩ cổ nhạc miền Nam là một " Instant Composer) ngay lúc đàn, sáng tác một bản nhạc theo điệu nào đó, trong một cái khung hay theo một cái mẫu nào đó (thí dụ : Điệu Bắc, theo mẫu bản Lưu thủy hay bản Tây thi, hoặc Điệu Nam theo mẫu bản Nam xuân hay bản Nam ai, hoặc Điệu Oán theo mẫu bản Tứ đại hay bản Văn thiên Tường).

Kết quả : Theo nhạc Tây phương thì một bản nhạc của Mozart, của Beethoven của Chopin hay của một nhạc sĩ trứ danh nào khác sáng tác, thì một nhạc sĩ ở thế kỷ 18, 19, 20, 21, 22, hay sau nữa, ở Pháp, ở Đức, ở Mỹ, ở Tàu hay ở Nhựt, cũng đã, đang và sẽ, đánh ra bấy nhiêu nốt, ngừng lại bấy nhiêu lâu, không sai một ly, chỉ có khác nhau ở lối diễn tả hay " phiên dịch " (interpréter) cảm giác của tác giả.

Còn theo cổ nhạc miền Nam thì một bản Tứ đại, Nam xuân hay vọng cổ của ông Chín Kỳ đàn, nếu được " thu băng " rồi đem ra phân tách kỹ từng nốt đàn và từng lúc im, thì thấy nó sẽ khác với bản Tứ đại, Nam xuân hay vọng cổ của một nhạc sĩ khác đàn (cùng một thứ đàn). Và ngay cùng một người đàn, nếu thu băng rồi phân tích kỹ lại từng nốt đàn thì bản Tứ đại, Nam xuân hay vọng cổ của ông Chín Kỳ đàn ngày hôm nay, có khác với bản Tứ đại, Nam xuân hay vọng cổ mà cũng chính ông Chín Kỳ này đàn ngày hôm trước, hoặc tuần lễ trước, hay ngày hôm sau, hoặc tuần lễ sau, bởi vì theo quan niệm của cổ nhạc miền Nam thì người nhạc sĩ khi đàn là một " Instant Composer " sáng tác ngay tại chỗ một bản đàn theo điệu nào đó, trong khung hay theo mẫu nào đó, để diễn tả tâm hồn hiện tại của mình, tuỳ ý, tuỳ hứng, tuỳ lúc mà tư tưởng và cảm giác của mình thì thay đổi hằng ngày nên bản nhạc đánh ra nghe có khác, mặc dù chung chung biết nó theo điệu gì, mẫu nào. Có lẽ nhạc cổ điển Tàu cũng theo cùng một nguyên tắc cho nên mới có cái tích " Bá Nha, Tử Kỳ ", người này đàn, người kia nghe được, thì " đọc trong ruột " của người ấy mà biết đượcđang nghĩ đến cái gì.