Nằm ở vị trí bên tả ngạn sông Hồng, ngay trên con đê thuộc xã Thuỵ Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đền Trèm (từ trèm, biến âm của từ việt cổ T.lem, T.rem - Trèm) đã chứng kiến bao mùa đổi dòng thay hướng của con sông Hồng vừa hiền hoà vừa dữ dằn mỗi mùa con nước. Đây chính là nơi thờ Lý Ông Trọng.

Câu chuyện về tài năng, đức độ cũng như oai linh của ông cả khi sống lẫn khi đã chết, cả khi còn trong nước lẫn khi ở nước ngoài (Trung Quốc) đã trở thành biểu tượng của sức mạnh và chính nghĩa. Nhưng với dân làng Thuỵ Phương ông vẫn tồn tại như một phúc thần bảo hộ cho dân làng, tượng ông cùng phu nhân được thờ phối hưởng trong đền và tôn kính gọi là Đức ông, Đức Bà.

Hằng năm hội đền Trèm mở 3 ngày (từ 14-16/4) để tưởng niệm Lý Ông Trọng. Mở đầu là lễ rước nước sáng sớm ngày 15. Nước được lấy ở giữa dòng sông để phục vụ cho lễ tắm tượng. Sau đó là lễ rước văn (rước bài văn tế từ nhà người trưởng văn ra đình), cuối cùng là lễ tụng kinh cầu siêu do thầy chùa phụ trách tiến hành trong đêm Rằm.

Khi các nghi lễ tiến hành xong cũng là thời điểm dân làng và khách thập phương chung vui không khí hội hè: thả chim bồ câu, chèo thuyền, đánh cờ, đấu vật... Trong đó hấp dẫn nhất vẫn là hội thi thả chim và chèo thuyền. Với sự tham dự của nhiều chủ chim có khi tới dăm chục thậm chí hàng trăm đàn chim chờ đợi mở lồng tung cánh, đua tài cao thấp trong ngày hội càng làm cho không khí hội đền Trèm thêm náo nhiệt.

Từ những nghi thức và tập tục: rước nước, tắm tượng, chèo thuyền, thả chim... là hình ảnh mờ nhạt của các lễ nghi nông nghiệp xa xưa, qua đắp đổi của thời gian và các dòng văn hoá cho đến nay chỉ còn hiện diện như một thú chơi tao nhã và tinh thần thượng võ. Tất cả tạo nên sự hấp dẫn riêng của một làng quê nông nghiệp ven đô.