Hội Hát Xuân có từ lâu, có lẽ phát xuất từ lúc tỉnh thành Bình Ðịnh được xây dựng năm Mậu Thìn (1808), Gia Long thứ 7, khi khánh thành có hát mừng và từ ấy năm nào cũng tổ chức, lâu năm thành lệ.
Hàng năm, sau tết Nguyên đán, trong tháng giêng âm lịch có lệ hát bội tại Bình Ðịnh, quen gọi là Hát Xuân, do quan đầu tỉnh tổ chức, đám hát này lớn nhất, được tổ chức chu đáo nhất, diễn xuất hay nhất và khán giả cũng đông đảo nhất , so với các cuộc hát xướng trong năm ấy tại tỉnh nhà.

Con hát được lựa chọn, toàn đào kép thượng thặng, rút ra từ các gánh hát trong tỉnh, nên gọi là "hát rút". Hát Xuân cũng chỉ diễn lại các tuồng nổi tiếng như "Sơn Hậu, Phụng Nghi Ðình, Ngũ Hổ Bình Tây, Hộ Sanh Ðàn, Diễn Võ Ðình, Tân Dã Ðốn, Tam Nữ Ðồ Vương..." nhưng rất hấp dẫn vì đào kép xuất sắc đảm nhận từ vai chính đến các vai phụ, nên diễn xuất hoàn hảo từ đầu tới cuối.
Mặc dù sân khấu đặt trong sảnh đường rộng lớn, nhưng quan lại và dân chúng từ các nơi đổ về đông nghẹt, phải cất nhà tạm bằng tranh tre để dung nạp quan khách có chỗ ăn uống và nghỉ ngơi. Tuy là nhà tạm nhưng cũng xén cắt mái tranh ngay thẳng, trần thiết kỹ lưỡng, cũng trướng rũ màn che, liễn hoành rực rỡ.

Tỉnh có đội lính dàn chào để đón quan khách, cờ lọng rợp trời, gươm tuốt trần, súng cầm tay trông thật long trọng. Ngày khai mạc có đủ mặt các quan lớn nhỏ trong tỉnh và có nhiều đại biểu từ các tỉnh khác đến dự. Hàng ghế đầu, ngồi giữa là quan Tổng Ðốc, bên tả có quan Bố Chánh, bên hữu có quan Án Sát, ngoài ra còn có các vị thượng khách, các quan đại thần về hưu. Thường thì quan đầu tỉnh lãnh vinh dự cầm chầu điều khiển cuộc hát, tuy nhiên cũng có khi nhường lại roi chầu cho một vị quan khác vì không rành hát bội. Các hàng ghế kế tiếp lần lượt dành cho các tri phủ, tri huyện, các quan hưu trí, thân hào nhân sĩ, các viên thơ lại, rồi đến Chánh, Phó tổng, các chức sắc làng xã, sau cùng là dân chúng đứng xem trong trật tự, yên lặng. Mọi người từ già trẻ lớn bé đều phải mặc áo dài, sang thì bận áo cặp trong trắng ngoài đen, hèn thì cũng phải áo đơn, đàn ông đội khăn đóng, đàn bà chít khăn hay đội nón.
Ðám hát kéo dài suốt hai ngày hai đêm, diễn hết tuồng này đến tuồng khác, đào kép thay phiên nhau trình diễn liên tục. Sáng bắt đầu từ 7 giờ đến 11 giờ, chiều hát từ 1 giờ đến 5 giờ, tối tiếp tục từ 7 giờ đến quá nửa đêm và phải trình diễn cho hết tuồng mới thôi. Ban ẩm thực làm việc suốt ngày đêm, sẵn sàng cỗ bàn, mỗi ngày ba bữa chu đáo. Bò, heo, dê, gà vịt nhốt sẵn, cần thì đem ra xẻ thịt ngay.
Gánh hát nào có nhiều đào kép được quan tỉnh chọn vào đám Hát Xuân thì được nổi tiếng. Riêng cá nhân của diễn viên cũng có nhiều quyền lợi, được các quan thưởng tiền trong những pha độc đáo, nếu rất xuất sắc được xét ban cho phẩm hàm trong làng nghệ sĩ như chức danh Chánh ca (hàm Chánh Cửu phẩm rồi lên Tùng Bát phẩm), Phó Chánh ca, Quản ca... vì thế, các diễn viên thi nhau trổ tài, đem hết ngón nghề ra cống hiến.
Năm 1934, dinh quan tỉnh dời về Qui Nhơn, thành Bình Ðịnh giao lại cho quan Phủ, tuy nhiên hàng năm quan Tổng đốc vẫn về đây chủ trì việc Hát Xuân. Lần hát cuối cùng vào xuân Ất Dậu (1945), sau đó là thời kỳ Việt Minh, thành Bình Ðịnh bị san bằng và Hội Hát Xuân cũng chấm dứt vĩnh viễn.