Tương truyền có từ thời Hai Bà Trưng, đây là môn rèn luyện thể lực cho nữ quân.

Quả phết to bằng quả bưởi, bằng gỗ đẽo tròn, có nơi sơn son để thờ ở đình, vào hội mới đưa ra chơi. Gậy đánh phết bằng gộc tre đào cả củ, dài khoảng 1m, gọt nhẵn hết rễ nhưng để nguyên củ tre phình ra dưới gốc.

Số người chơi chia làm hai phe bằng nhau. Sân phết vạch chia đôi, giữa sân vẽ một vòng tròn, là nơi đặt quả phết khi vào cuộc.

Cuối hai bên sân đều đào một hố to lọt quả phết.

Lối chơi gần giống môn khúc côn cầu.

Mỗi bên dùng gậy phết hất quả phết về phía sân đối phương sao cho lọt xuống hố là thắng. Như vậy phải vừa dẫn phết, vừa lừa đối thủ, vừa tránh họ phang vào phết, không để họ cướp được quả phết.

ở làng Phù Đổng, sân phết chỉ có một hố, người chơi chia làm hai phe; một phe bảo vệ hố không cho bên kia đưa phết vào hố; một phe tìm cách lừa đối phương đưa phết từ xa bật đến sát hố để đẩy vào.

Hễ thắng là hết ván, đổi phiên giữa hai phe đánh tiếp.

Trong lễ hội làng Đông Đồ (nay thuộc xã Nam Hồng - Đông Anh) có hất phết thành lệ từ xa xưa. Trai làng dùng gậy hất phết đưa từ sân đình ra đến Cổng Cầu rồi lại hất đưa phết quay trở về. Người đưa, người dẫn, người chặn hai bên để phết không rơi xuống ruộng.

Hội đền Linh Lang (Voi Phục) xưa cũng có trò chơi hất phết.

Triều Lý - Trần, vua, quan cũng tổ chức hất phết trong dịp đầu xuân, mỗi đội 12 người, mặc sắc phục khác nhau, cưỡi ngựa cầm gậy hất phết lăn vào hố bên nào là bên ấy thua. Cạnh hố có để một giá cờ. Cứ mỗi bàn thắng, bên đội thắng được cắm một lá cờ.

Trọng tài dùng trống cái làm hiệu lệnh.

Lúc đầu, phết chỉ dành cho phái nữ. Nam muốn chơi phải mặc giả nữ. Sau ai chơi cũng được.