Huỳnh Tịnh Của

(Giáp Ngọ 1834 - Đ. Mùi 1907)

Nhà nghiên cứu, tức Hoàng Tịnh Của, cũng gọi là Paulus Của, hiệu là Tịnh Trai, quê làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa) (nay thuộc tỉnh Đồng Nai).

Ông tinh thông Hán học và Pháp văn, năm 1864, làm Đốc phủ sứ, rồi làm. Giám đốc Ty phiên dịch. Văn án cho chính phủ bảo hộ thời ấy. Cùng với Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký... ông viết bài ở Gia Định báo, cổ xúy phong trào phổ thông chữ quốc ngữ, truyền bá học thuật, chấn hưng cổ học. Ông mất năm Đinh Mùi 1907 thọ 73 tuổi.

Đã xuất bản các tác phẩm: "Chuyện giải buồn q. I (1880), Chuyện giải buồn q. II (1885), Đại Nam quốc âm tự vị q. I (1895; q. II (1896),Gia lễ (1886), Sách quan chế (1888), Văn Doãn diễn ca (1906), Câu hát góp (1994), Ca trù thể cách (1907), Thơ mẹ dạy con (1907). Gần đây một số tác phẩm kể trên đã có in lại. Ngoài ra, ông còn phiên âm những tác phẩm thơ nom xưa và xuất bản để phổ biến : Quan âm diễn ca, Bạch Viên Tôn Các (1906), Thoại Khanh Châu Tuấn (1906)...

Huỳnh Tịnh Của tuy là một người ra làm việc với Pháp sớm, nhưng không xu phụ như các bọn đội lốt tôn giáo và tay sai khác như Trần Bá Lộc, Tổng đốc Phương, Tôn Thọ Tường, Huỳnh Tịnh Của đã đóng góp công sức của mình và làm cho chữ quốc ngữ có tư thế trên sinh hoạt văn hóa vào những năm cuối thế kỉ XIX ở miền Nam.