Vào cuối thế kỷ 13, sau khi cùng liên kết đẩy lui cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ, mối giao hảo giữa Đại Việt và Chiêm Thành (Champa) khá tốt đẹp. Tháng 2 năm tân sửu (1301), nước Chiêm Thành gởi sứ giả và phẩm vật sang thăm viếng ngoại giao. Khi đoàn sứ giả Chiêm Thành về nước, thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đi theo. Lúc đó thượng hoàng đã xuất gia đi tu, gặp khi rảnh rỗi, ông qua thăm Chiêm Thành, vừa để trả lễ, vừa để du ngoạn, từ tháng 3 đến tháng 11 âm lịch cùng năm.

Vua Chiêm Thành là Chế Mân (Jaya Simhavarman IV, trị vì 1287-1307), nguyên là thái tử Bổ Đích (Harijit), con đầu của vua Jaya Simhavarman III hay Indravarman XI (trị vì 1257-1287). Thời kháng Nguyên, vua Jaya Simhavarman III đã già, Bổ Đích nắm trọng trách điều khiển việc nước, và đã chỉ huy quân Chiêm đẩy lui lực lượng của Toa Đô (Sogatu).

Trong cuộc gặp gỡ với vua Chế Mân, Trần Nhân Tông hứa gả con gái mình là công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Có thể lúc đó Trần Nhân Tông muốn làm cho nền bang giao giữa hai nước Việt Chiêm bền vững qua cuộc hôn nhân nầy. Lời hứa của thượng hoàng Trần Nhân Tông gặp nhiều phản bác về phía triều đình nước ta. Thời đó, quan niệm khắc khe về phân biệt chủng tộc đã khiến cho các quan và cả Trần Anh Tông, vị vua đương triều, ngăn trở cuộc hôn nhân nầy.

Mãi đến khi Chế Mân quyết định tặng hai châu Ô và Rí (Lý) ở phía bắc Chiêm Thành làm sính lễ, Trần Anh Tông mới nhận lời, và lễ cưới diễn ra năm 1306 (bính ngọ). Năm 1307 (đinh mùi), Trần Anh Tông đổi châu Ô thành Thuận Châu [Thuận = theo, theo lẽ phải], châu Lý thành Hóa Châu [Hóa = thay đổi, dạy dỗ]. So với ngày nay, Thuận Châu từ phía nam tỉnh Quảng Trị và phía bắc tỉnh Thừa Thiên ngày nay; Hóa Châu gồm phần còn lại của tỉnh Thừa Thiên và phía bắc tỉnh Quảng Nam ngày nay; diện tích tổng cộng vùng đất nầy khoảng 10.000 km2.

Huyền Trân được vua Chế Mân phong tước hoàng hậu Paramecvari. Đám cưới được hơn một năm, Chế Mân từ trần (1307). Vua Trần Anh Tông thương em, sợ Huyền Trân bị đưa lên giàn hỏa thiêu chết theo chồng trong tục lệ Chiêm Thành,(1) nên nhà vua cho tướng Trần Khắc Chung (tức Đỗ Khắc Chung) sang Chiêm lấy cớ viếng tang, rồi lập mưu đưa Huyền Trân và con là Đa Da trở về Đại Việt.(2) Theo Đại Nam nhất thống chí, quyển 16 viết về tỉnh Nam Định, sau khi trở về nước, Huyền Trân công chúa đã đến tu ở chùa Nộn Sơn, xã Hổ Sơn, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Sách nầy không cho biết chính xác thời điểm công chúa đi tu, nghĩa là công chúa đã đi tu ngay khi về nước hay sau khi đã về già?(3) Số phận hoàng tử Đa Da không được sử sách nhắc đến.

Cuộc hôn nhân Huyền Trân và Chế Mân tượng trưng cho sự phát triển một cách hòa thuận về phương nam theo truyền thống sống cùng và để người khác cùng sống của người Việt. Sự hy sinh của công chúa Huyền Trân đã được một tác giả vô danh đề cao trong một bài ca Huế theo điệu nam bình rất được truyền tụng cho đến ngày nay:

Nước non ngàn dặm ra đi, mối tình chi,
Mượn màu son phấn, đền nợ Ô Ly,
Đắng cay vì, đương độ xuân thì,
Số lao đao hay nợ duyên gì?
Má hồng da tuyết, quyết liều như hoa tàn trăng khuyết,
Vàng lộn với chì,
Khúc ly ca cớ sao mà mường tượng Nghê thường!
Thấy chim hồng nhạn bay đi, tình tha thiết.
Bóng dương hoa quỳ
Nhắn một lời Mân quân, nay chuyện mà như nguyện,
Đặng vài phân, vì lợi cho dân,
Tình đem lại mà cân,
Đắng cay trăm phần...(4)