Hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm của người Nùng

Người Nùng là dân tộc ở xen kẽ với người Tày, có nhiều mối quan hệ mật thiết trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng ngôn ngữ và văn hóa nghệ thuật dân gian. Người Nùng có nhiều nhóm địa phương, mỗi nhóm lại có trang phục có đặc điểm trang trí khác nhau đôi chút, nhưng chủ yếu trên trang phục cũng không có thêu thùa gì ngoài một số khoang vải có mầu khác với thân áo được đắp vào ống tay áo, vạt áo... mà thôi. Người Nùng cũng dệt mặt hàng thổ cẩm có dùng chung phong cách nghệ thuật, đề tài như thổ cẩm Tày.

Trong các đồ dùng bằng vải như túi đeo, giầy, khăn. Người Nùng có thêu họa tiết và chắp vải. Đường nét mềm mại, uyển chuyển, điển hình gần gũi với hiện thực, tự nhiên, mầu sắc êm dịu, chuyển sắc tinh thể gần với màu trong thiên nhiên. Họ còn có nhiều thủ thuật sử dụng sáp ong để tạo họa tiết trên vải màu chàm, trong đó có cách vẽ sáp ong để tạo thành đường nét trang trí cũng đáng lưu ý về giá trị thẩm mỹ như hình số 13 trong sưu tập này. Ở đây, ta thấy gần với các đồ án hoa văn hình kỷ hà trong bố cục hình vuông của thổ cẩm Tày, Nùng nhưng ở trung tâm trang trí, các ô vuông đã áp dụng lối bố cục đối xứng quay quanh điểm trung tâm tạo cho đồ án trang trí vui mắt hơn thể thức bố cục đăng đối tuyệt đối trong trang trí thổ cẩm Tày.