Làng Thanh Tiên cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km về phía Đông - Bắc. Cũng như bao làng quê khác trong khu vực, người dân ở đây lấy nghề nông làm chính, tuy nhiên, vào tháng chạp, họ lại rộn ràng sản xuất các loại hoa giấy dùng trong tín ngưỡng, trang trí nhân dịp Tết của người dân xứ Huế. Chỉ có khoảng 100 hộ gia đình, nhưng họ là chủ nhân của hàng chục loại hoa giấy phục vụ cho nhu cầu của người Huế và vùng phụ cận: hoa quỳ, tường vi, hoa lan, hoa chùm, hoa búp, hoa cúc, bông lùng, bông đũa...

Hoa giấy tuy đơn giản nhưng lại không dễ làm, bởi ngoài sự khéo tay, người thợ cần phải có sự tài hoa, óc thẩm mỹ mới có thể cho ra đời những sản phẩm đẹp và tinh tế. Giấy làm hoa do người thợ tự nhuộm bằng những loại màu pha chế từ cây cỏ. Đầu tiên, người thợ cắt giấy ngũ sắc theo hình hoa để tạo cánh, sau đó cắt giấy thiếc bạc hoặc gương thủy tinh để làm nhụy hoa (táng chần), tiếp đến chẻ tre làm cuốn hoa (tăm), cành hoa (chông), cuối cùng ghép chúng lại thành cành hoa (gọi là lên cây).

Trong các sản phẩm của làng hoa Thanh Tiên, bông lùng, bông đũa có thể xem là tác phẩm tạo hình đầy thú vị. Bông lùng được làm từ ruột một loài cây thân thảo - cây lùng; bông đũa được vót từ thanh tre thân xơ tua tủa. Hoa Thanh Tiên được dùng để cắm trên bàn thờ, trang thờ bổn mạng của nhiều gia đình ở Huế, hoặc trang trí trên vách giữa - tô vẽ, điểm xuyết phần nào cho sự trống trải của ngôi nhà.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu thờ cúng hoa giấy đã giảm nhiều, tuy thế, Thanh Tiên vẫn duy trì hoạt động của mình trên quy mô đáng kể. Bên cạnh nguồn gốc - giá trị sâu xa về mặt tín ngưỡng trong nếp sống cổ truyền, làng quê này hàng năm vẫn mang lại cho Huế không khí rạo rực; những hình ảnh thật vui mắt trong dịp Tết với những bó hoa sắc màu sặc sỡ cắm trên một thân tre - phần đầu bó bằng rơm hoặc chổi được mang đi rao bán khắp nơi.